Đấu giá tranh thời COVID-19

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, đời sống giải trí nước ta từ đầu 2020 đến nay 'giảm nhiệt' đáng kể.

Trong đó, hoạt động đấu giá tranh cũng không ngoại lệ khi phiên đấu giá tại Hà Nội vừa qua diễn ra âm thầm, trị giá tác phẩm bán ra thấp dù họa sĩ có tên tuổi, tác phẩm có chất lượng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, đời sống nghệ thuật Việt cũng phải thay đổi. Nhiều ca sĩ đã phải hủy show, không ít nhà hát phải đóng cửa, các lễ hội từ truyền thống đến hiện đại dừng phần hội hoặc lùi thời gian tổ chức ở thời điểm phù hợp. Đó là những hành động thiết thực của các nghệ sĩ cùng chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bức tranh Hoàng Lan của danh họa Mai Long được bán trong phiên đấu giá gần đây.

Đối với hoạt động mỹ thuật, từ đầu 2020 đến nay mới có một phiên đấu giá tranh vừa được tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên, buổi đấu giá tranh lần này không được nhiều người biết, cũng không được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn. Nhà đấu giá chỉ đưa ra 3 bức tranh: Hoàng Lan (tác phẩm phấn màu của họa sĩ Mai Long) phác thảo chì trên giấy Maria (họa sĩ Nguyễn Huyến) và Người chiến sĩ (tranh màu nước của họa sĩ Lưu Văn Sìn). Khác với những gì diễn ra trước đây, tại phiên đấu giá tranh vừa qua đã giảm 90% số lượng tác phẩm, lượng khách mời cũng giảm mạnh từ 150 người xuống còn 15 người.

Tuy nhiên, 3 tác phẩm trên đều được đấu giá thành công, đặc biệt bức tranh Hoàng Lan của họa sĩ Mai Long đã tăng 220% so với mức giá khởi điểm và cán mốc giá 2.200 USD. Trong khi đó, hai bức tranh còn lại là MariaNgười chiến sĩ, nhà đấu giá không công bố cụ thể số tiền nhưng được bán với mức tăng lần lượt là 106,25% và 137,5%. Một số ý kiến cho rằng, vì phiên đấu giá tranh lần này không có nhiều tác phẩm nổi bật cũng như tác giả ít tên tuổi nên trầm lắng là điều khó tránh khỏi. Nhưng trên thực tế, 3 bức tranh được đấu giá đều có chất lượng và 3 tác giả cũng là những cái tên nổi bật trong làng hội họa.

Mai Long là học trò của danh họa Tô Ngọc Vân. Họa sĩ Mai Long gắn liền với những tác phẩm tranh lụa duyên dáng và đầy sức quyến rũ, mê hoặc. Ông vẽ rất nhiều tranh với nhiều thể loại khác nhau nhưng không nhất quán theo trường phái nào, mà thường theo cảm xúc cá nhân. Bức tranh Hoàng Lan của ông là tác phẩm ký họa phấn màu được sáng tác năm 1995, thể hiện vẻ đẹp chín mọng của người thiếu phụ. Khi xem tranh, mỗi người tìm về cảm giác thư thái, tự tại tận sâu trong tâm hồn mình.

Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Huyến (1915-1994) là người đã từng có nhiều triển lãm tranh tại Pháp, tranh của ông từng được chọn làm quà tặng cho Hoàng thân Sihanouk. Ngoài ra, tác phẩm 4 bức tranh của ông được bảo tàng Thụy Điển mua và hiện vẫn còn đang trưng bày. Bức phác thảo chì trên giấy Maria của cố họa sĩ Nguyễn Huyến đã được lưu giữ qua 78 năm nay đậm chất nghệ thuật. Với họa sĩ Lưu Văn Sìn (1910 - 1983), nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm Người chiến sĩ của họa sĩ Lưu Văn Sìn vừa đấu giá thành công được thực hiện trên chất liệu màu nước, mang lại cảm giác tuyệt đối bình an dù trong bão giông, chiến trận.

Rõ ràng, tác phẩm cùng những họa sĩ kể trên đều có chất và những điểm nhấn riêng nhưng giá trị tác phẩm được bán với giá không cao, khác hẳn với các phiên đấu giá thu nhiều tỷ đồng trước đó. Tuy nhiên, nhà tổ chức buổi đấu giá tranh chia sẻ, đây là một trong những việc làm để hy vọng hướng tới một khởi đầu mới bớt khó khăn, sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Dù lặng lẽ nhưng sẽ duy trì được hoạt động đấu giá tranh tại Việt Nam vốn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thị trường vốn có.

TÙNG SƠN

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-gia-tranh-thoi-covid-19-n170270.html