Đấu giá trực tuyến có thể hạn chế được cơ bản tiêu cực trong đấu giá tài sản
Trả lời câu hỏi về việc tổ chức đấu giá trực tuyến có giải quyết được những bất cập hiện nay trong việc 'thông đồng, dìm giá, xã hội đen phá hoại các cuộc đấu giá' hay không, bà Mai cho rằng, nếu nền tảng về công nghệ thông tin tốt và nhân sự của các tổ chức đấu giá tốt thì có thể hạn chế được cơ bản tiêu cực trong đấu giá tài sản.
Chiều 28/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về công tác tư pháp Quý III/2022. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp báo.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong Quý III, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 Đề án do Bộ Tư pháp trình; hoàn thành 55/55 nhiệm vụ được giao. Bộ Tư pháp cũng đã thực hiện quy trình kiểm thử và kết nối thành công thêm 10 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 50 dịch vụ công.
Công tác thẩm định văn bản được Bộ Tư pháp thực hiện bảo đảm đúng quy, chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, đồng thời bảo đảm thời hạn thẩm định theo quy định, bảo đảm tiến độ soạn thảo, trình văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Trong Quý III/2022, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai các hoạt động thực hiện Kế hoạch hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam và nhiều hoạt động khác. Đồng thời, đã trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 437 trường hợp làm cơ sở cho việc cấp Giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam; giải quyết 51 trường hợp con nuôi nước ngoài; tiếp nhận 98.535 bản lý lịch tư pháp điện tử; phối hợp với các Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh thông tin cấp 251.979 Phiếu lý lịch tư pháp; giải quyết 268.234 Phiếu đăng ký/thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên...
Bộ Tư pháp đã tổ chức đón Đoàn Bộ trưởng Tư pháp Lào sang thăm luân phiên và tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp kết hợp Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ 5. Đây là hoạt động nhân "Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022", kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào.
Trả lời câu hỏi về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Tư pháp trong triển khai thực hiện Đề án 06, ông Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin cho biết, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, phối hợp với Bộ Công an tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất Quy trình rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, để khai thác dữ liệu công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hai Bộ đã hoàn thành thử nghiệm dịch vụ khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân/căn cước công dân/Số chứng minh nhân dân của công dân; trao đổi, nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ đồng bộ thông tin giữa 2 cơ sở dữ liệu; dự kiến sẽ cập nhật các chức năng khai thác trên Hệ thống chính thức để kiểm thử và đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian tới.
Liên quan đến hoạt động đấu giá trực tuyến, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, đến nay đã có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phần mềm đấu giá trực tuyến. Trong đó có những doanh nghiệp đã tổ chức đấu giá trực tuyến và giá trị của các cuộc đấu giá trực tuyến lên tới 2.000 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi về việc tổ chức đấu giá trực tuyến có giải quyết được những bất cập hiện nay trong việc “thông đồng, dìm giá, xã hội đen phá hoại các cuộc đấu giá” hay không, bà Mai cho rằng, nếu nền tảng về công nghệ thông tin tốt và nhân sự của các tổ chức đấu giá tốt thì có thể hạn chế được cơ bản tiêu cực trong đấu giá tài sản.
Vì, đấu giá trực tuyến không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia đấu giá với nhau, mà mỗi người tham gia đấu giá được mở một tài khoản tại tổ chức đấu giá, được phát một mã định danh và trả giá qua phần mềm trên mã định danh được cấp đó. Do đó, hình thức này sẽ hạn chế được bất cập nêu trên.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Tư pháp cho biết từ tháng 10-2021 đến nay, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 530.000 vụ việc (tăng 44.000 so với cùng kỳ). Tổng số tiền đã thi hành xong là hơn 75.000 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 45,42%).
Trong đó, khoản nợ của các tổ chức tín dụng đã thi hành xong trên 6.000 vụ việc, thu được hơn 22.000 tỉ đồng. Với khoản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 1.900 vụ việc, thu được gần 16.000 tỉ đồng (tăng hơn 290% so với cùng kỳ).
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ triển khai các nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2023. Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản nhà nước.