Dấu hiệu cảnh báo bạn bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường sạch sẽ quá mức, ghét ngoại hình của mình và luôn kiểm tra lại nhiều lần những việc đã làm.

Luôn muốn rửa tay thật sạch: Theo tạp chí Health, người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường nghi ngờ tay mình đã sạch sẽ hay chưa và luôn muốn rửa tay. Sự thôi thúc bắt nguồn từ nỗi sợ vi trùng, sự ám ảnh phổ biến nhất thường thấy của OCD. Mỗi khi rửa tay, họ thường chà xát mạnh, lâu và rửa nhiều lần với xà phòng, chất tẩy rửa. Thậm chí, họ cũng không muốn bắt tay với người khác vì sợ làm lây bệnh. Ảnh: Biobehavior.

Sạch sẽ quá mức: Giống rửa tay, dọn dẹp nhà cửa thường là cách để giảm bớt chứng sợ vi trùng hoặc cảm giác không sạch của người mắc OCD. Những người này thường mất hàng giờ liền mỗi ngày để dọn dẹp nhà cửa dù nó không bẩn. Nếu không dọn dẹp, họ sẽ lo lắng, bồn chồn và thôi thúc mình phải làm việc đó. Dọn dẹp có thể loại bỏ những suy nghĩ ám ảnh nhưng cảm giác nhẹ nhõm không kéo dài. Cảm giác muốn làm sạch của họ thậm chí còn mạnh hơn vào lần sau. Ảnh: Healthline.

Luôn kiểm tra lại việc đã làm: Người mắc OCD sẽ nghi ngờ việc mình làm và kiểm tra lại 3-4, thậm chí 20 lần. Chẳng hạn, họ sẽ quay về nhà kiểm tra xem đã khóa cửa, tắt bếp chưa... Hành vi này ảnh hưởng đến 30% số người mắc OCD. Họ luôn có những suy nghĩ không yên tâm, lo lắng mình chưa hoàn thành việc đó. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Ảnh: Health.

Ám ảnh với số đếm: Một số người mắc chứng OCD thực hiện các nhiệm vụ theo khuôn mẫu số hoặc tự đếm khi họ làm việc hàng ngày. Ví dụ, họ sẽ đếm bậc cầu thang ở mọi nơi, đồ vật trong nhà hoặc sắp xếp bát đĩa theo hàng có số thứ tự nhất định. Ảnh: Insider.

Luôn muốn mọi thứ đối xứng hoàn hảo: Theo Mayo Clinic, người mắc chứng OCD cũng luôn muốn và cố gắng sắp xếp mọi vật gọn gàng, đối xứng đến mức độ hoàn hảo. Sự phiền phức này thường được thúc đẩy bởi những ám ảnh về trật tự và đối xứng. Ảnh: Greatists.

Những suy nghĩ về bạo lực và tình dục không mong muốn: Người mắc chứng OCD thường sẽ có suy nghĩ về hành vi bạo lực và tình dục. Dù nhận thức là sai trái, họ không thể ngăn mình nghĩ đến hoặc thực hiện các hành vi đó. Bệnh nhân có thể tưởng tượng theo đuổi một đồng nghiệp mới hoặc quấy rối trẻ em. Ảnh: Ocdtypes.

Lo lắng quá mức các mối quan hệ: Những người mắc chứng OCD sẽ luôn để ý đến mối quan hệ của họ với bạn bè, đồng nghiệp, người yêu và thành viên trong gia đình. Họ lo lắng về lời nhận xét ngoài ý muốn trong công việc có thể khiến đồng nghiệp xa lánh. Chia tay với người yêu có thể khiến họ bị ám ảnh, suy nghĩ luôn luẩn quẩn trong đầu và nghi ngờ bản thân là người xấu. Ảnh: Verywellmind.

Luôn tìm kiếm sự trấn an: Một cách để những người mắc chứng OCD cố gắng xoa dịu lo lắng là liên tục hỏi ý kiến của bạn bè và gia đình. Ảnh: Lucidatreatment.

Ghét ngoại hình của mình: Chứng mặc cảm ngoại hình (BDD) là tình trạng liên quan OCD, trong đó, người bệnh thường không hài lòng về bộ phận nào đó trên cơ thể. Nhiều người bị BDD cũng mắc OCD và lo lắng về sự sạch sẽ của cơ thể, e ngại, không dám ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Ảnh: Goodtherapy.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-canh-bao-ban-bi-roi-loan-am-anh-cuong-che-post1188877.html