Dấu hiệu cảnh báo bệnh thông qua các kiểu ho

Tôi thường bị ho về đêm, tình trạng này đã kéo dài gần một tháng nay. Xin hỏi bác sĩ tình trạng ho đêm như vậy xuất phát từ nguyên nhân gì?

Tôi thường bị ho về đêm, tình trạng này đã kéo dài gần một tháng nay. Ngoài ho ra thì cơ thể tôi không có các dấu hiệu bất ổn khác. Xin hỏi bác sĩ tình trạng ho đêm như vậy xuất phát từ nguyên nhân gì?

Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM)

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm giúp phổi, phế quản tống các chất dịch, đờm, dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, đôi khi ho cũng là biểu hiện của một số bệnh khác khiến cơ thể rối loạn.

Các dạng ho thường gặp

- Ho khan kéo dài: Thường ho không có đờm, thậm chí ho nhiều, ho dữ dội. Ho khan kéo dài thường liên quan đến các bệnh ở thanh quản, viêm tai, viêm xương chũm mạn tính, ung thư phế quản, xơ phổi, phù phổi bán cấp, ung thư phổi, lao kê hoặc do tràn dịch mạn tính màng phổi.

Ho khan kéo dài còn xảy ra do cơ chế miễn dịch dị ứng (hen) của cơ thể bị kích thích, do thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp (coversyl) ở người sử dụng lâu năm.

- Ho kéo dài về đêm: Ban ngày, người bệnh chỉ ho khan, không có dấu hiệu cảm cúm hay viêm họng. Tuy nhiên, vào ban đêm hoặc lúc ngủ trưa sẽ có các dấu hiệu như ngứa họng, ho dai dẳng từ đó dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi. Nguyên nhân ho kéo dài về đêm thường là hen suyễn, viêm xoang, trào ngược axit trong dạ dày thực quản…

- Ho từng cơn: Ho khan nhiều lần và tạo thành từng cơn trong một thời gian ngắn. Cơn ho này làm tăng áp lực trong ngực, gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên nên người bệnh bị đỏ ở mặt, cổ nổi tĩnh mạch, chảy nước mắt, thậm chí nôn ói.

Điển hình nhất trong dạng ho này là ho gà, người bệnh sẽ có các dấu hiệu như đau ê ẩm ở ngực, lưng, bụng do các cơ hô hấp bị co bóp quá mức.

- Ho ra máu: Ho ra máu có nhiều mức độ khác nhau, người bệnh có thể ho ra máu từ nhẹ đến nặng nhưng thường xảy ra đột ngột. Hầu hết người mắc bệnh lao phổi tiến triển dễ ho ra máu, kèm ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân.

Nếu ho ra ít máu lẫn trong đờm, không kèm sốt, không sụt cân, chúng ta cũng nên nghĩ đến lao. Ngoài ra, ho ra máu còn do viêm phổi cấp tính, viêm phổi mạn tính, ung thư phổi…

Khi bị ho nhiều nên làm gì?

Ho thường là phản xạ tự nhiên của cơ thể trước sự tấn công của vi khuẩn, dị vật, tình trạng cơ thể bị rối loạn do bệnh… nhất là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Tuy nhiên, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu sau đây:

Ho khan kéo dài trên 5 ngày
Ho có kèm theo sốt, khó thở, tím tái, suy kiệt...
Ho kéo dài trên 3 tuần, uống thuốc không giảm, kèm sốt hoặc ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, hơi thở nông hoặc đau ngực khi ho...

Độc giả Duyên Kỳ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cac-kieu-ho-phan-anh-gi-ve-tinh-trang-suc-khoe-co-the-post1495304.html