Dấu hiệu cảnh báo bị stress nặng, điều chỉnh ngay kẻo 'ân hận mấy cũng muộn'
Stress dường như đã trở thành vấn đề không thể tránh khỏi trong đời sống xã hội hiện nay. Nếu nhận biết sớm dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị stress nặng, bạn có thể phòng tránh được nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Gặp vấn đề về tiêu hóa
Stress có thể biểu hiện ra thành nhiều dấu hiệu sức khỏe đáng báo động cho cơ thể. Nhiều trường hợp bạn bị căng thẳng quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa khác nhau như táo bón, trào ngược axit, hội chứng ruột kích thích, buồn nôn…
Phản ứng stress sẽ gây áp lực, làm thay đổi hệ thống tiêu hóa do năng lượng bị chuyển sang để ứng phó với những tình huống căng thẳng. Khi stress trở nên quá trầm trọng hoặc xảy ra thường xuyên, cơ thể sẽ không thể phục hồi để hoạt động tối ưu. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa, dẫn đến hàng loạt vấn đề như nóng rát kéo dài, buồn nôn, nôn nhiều lần hoặc thậm chí là hội chứng nôn mửa theo chu kỳ.
Các bệnh về da
Căng thẳng có thể dẫn tới bệnh vảy nến, mụn trứng cá và các bệnh ngoài da khác. Các nhà khoa học tại Trường Y Lewis Katz thuộc Đại học Temple (LKSOM) đã tiến hành nghiên cứu giữa các sinh viên và nhận thấy có mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng tâm lý với các bệnh về da.
Dễ xúc động
Khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức, phần phần nguyên thủy não bộ của bạn sẽ chiếm ưu thế kiểm soát. Điều này khiến bản dễ bị xúc động và khó kiểm soát cảm xúc cá nhân. Chỉ cần một vài điều nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng khiến bạn ức chế, nổi cáu.
Mất tập trung
Khi căng thẳng, mọi thứ xung quanh bạn sẽ trở nên hỗn loạn. Nó khiến bạn lo lắng và khó tập trung hơn vào một vấn đề nhất định. Kết quả là bạn khó hoàn thành công việc dù là đơn giản nhất. Thậm chí căng thẳng còn ảnh hưởng đến khả năng lưu giữ thông tin mà bạn vừa nghe hay đọc được.
Rụng tóc
Ở vào trạng thái bình thường, ngay cả khi có tâm trạng thoải mái nhất thì mỗi ngày bạn vẫn sẽ mất đi một số lượng tóc đáng kể. Tuy nhiên, stress và rụng tóc có thể ảnh hưởng lẫn nhau nếu các vấn đề lo âu kéo dài và lặp lại thường xuyên.
Stress có thể gây ra rụng tóc theo 3 cơ chế:
• Bệnh rụng tóc (Alopecia Areata): Khi một lượng lớn tóc đột nhiên rụng khỏi da đầu.
• Rụng tóc kiểu TE (Telogen Effluvium): Khi lượng tóc rụng nhiều đến khoảng 70%.
• Bệnh nghiện giật tóc (Trichotillomania): Bệnh khiến bạn thôi thúc muốn tự bứt tóc mình.
Các tình trạng này có thể kéo dài đến khoảng vài tháng sau khi bạn đã trải qua các sự kiện gây stress trước đó. Một số trải nghiệm đáng buồn gây tác động đến tâm lý thường gặp là mất việc, mất đi người thân, đổ vỡ trong chuyện tình cảm…
Suy giảm trí nhớ
Mặc dù đôi khi bạn có thể hơi đãng trí, hay quên này nọ nhưng suy giảm trí nhớ rõ ràng không phải là một tình trạng mà bạn nên xem nhẹ. Khi cảm thấy trí nhớ giảm sút, bạn có thể thấy mình quên những chi tiết từ nhỏ đến lớn và sự chú ý tập trung cũng bị giảm đi đáng kể.
Tình trạng suy giảm trí nhớ là hậu quả nghiêm trọng của căng thẳng và lo âu xảy ra ở hầu hết mọi người, khi cơ thể sản xuất hormone cortisol một cách quá mức. Nhiều nghiên cứu cho thấy hormone cortisol cực kỳ nguy hại cho hoạt động của não bộ và có thể làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ. Vấn đề này còn dẫn đến hàng loạt bệnh như trầm cảm, suy giảm khả năng học tập, cân nặng khó kiểm soát…
Chảy máu cam
Tình trạng chảy máu cam hay chảy máu mũi xảy ra khi có tác động vật lý mạnh khiến mũi bị tổn thương hoặc cũng có thể là do bạn đang bị stress nặng. Sự thay đổi nhiệt độ, môi trường sống hay các sự kiện không vui xảy ra có thể kích hoạt tình trạng stress nặng. Khi đó, áp lực máu sẽ tăng cao kết hợp với màng mũi quá khô sẽ khiến tĩnh mạch và mao mạch rách và chảy máu.
Khi thấy mình bị chảy máu cam, bạn đừng quá hốt hoảng vì sẽ càng làm tình trạng tồi tệ hơn mà thôi. Điều cần làm là bạn hãy kiểm soát hơi thể, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế các thức uống có chứa caffeine để kiểm soát stress hiệu quả.
Thay đổi trọng lượng
Dù bạn có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đầy đủ nhưng vẫn không thể giữ được mức cân nặng ổn định thì nguyên nhân có thể là do căng thẳng.
Trạng thái tâm lý căng thẳng sẽ làm gia tăng sản xuất cortisol - hormone có nhiễm vụ ổn định sự trao đổi chất béo và carbohydrate và hỗ trợ lượng đường cần thiết trong máu.
Lượng cortisol cao sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn. Trong khi đó, cơ thể sản sinh ít testosterone và đốt ít calo hơn.
Đôi khi, căng thẳng và lo lắng cũng gây ra tình trạng sụt cân. Mức adrenaline trong máu thay đổi là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Adrenaline tăng tốc độ trao đổi chất, nhưng nó làm chậm sự bài tiết chất béo.
Đổ mồ hôi
Cơ thể đổ nhiều mồ hôi đôi khi chính là một dấu hiệu của stress nặng mà bạn lại dễ bỏ qua. Thông thường, bạn sẽ đổ mồ hôi khi thân nhiệt tăng hay do việc tập thể dục kích thích hoạt động của tuyến mồ hôi ngoại tiết (eccrine sweat glands).
Tuy nhiên, khi cơ thể phản ứng lại với tình trạng bị stress nặng, mồ hôi thường sẽ được tiết ra từ các tuyến đầu tiết (apocrine glands). Mồ hôi tiết ra từ tuyến này thường đặc hơn, ngọt hơn cũng như dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển hơn. Tình trạng này thường xảy ra ở các khu vực có nhiều lông rậm như bộ phận sinh dục hay vùng dưới cánh tay.
Suy yếu hệ miễn dịch
Khi cơ thể bạn phải chống lại các tác nhân gây stress, vùng dưới đồi tuyến yên – cơ quan có tác dụng chống lại nguy hiểm sẽ bắt đầu hoạt động. Ngoài cortisol, vùng dưới đồi tuyến yên còn sản xuất ra các chất dẫn truyền thần kinh có tên là catecholamine. Loại hormone steroid này sẽ làm giảm khả năng hoạt động của hệ thống miễn dịch bằng cách gửi các “tế bào chiến đấu” đến chống lại nguy hiểm xảy ra cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu stress diễn ra quá thường xuyên và kéo dài, các bộ phận khác trong cơ thể sẽ bị thiếu các “tế bào chiến đấu”. Khi ấy, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của sự suy yếu, dễ bị tổn thương trước nhiễm trùng và thời gian để bạn hồi phục khỏi bệnh cũng sẽ kéo dài.