Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ

Đây là hai tình trạng có tỷ lệ tử vong cao, chúng xảy ra đột ngột nên thường khiến người bệnh không được tiếp nhận y tế kịp thời.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quỳnh Hương, khoa Khám bệnh Cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết đột quỵ não hay được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng ít phút, nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào, não sẽ bắt đầu chết.

 Chúng xảy ra đột ngột nên thường khiến người bệnh không được tiếp nhận y tế kịp thời. Ảnh minh họa: Medicalnewstoday.

Chúng xảy ra đột ngột nên thường khiến người bệnh không được tiếp nhận y tế kịp thời. Ảnh minh họa: Medicalnewstoday.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ não không chỉ giúp người bệnh có cơ hội sống sót cao hơn mà còn giảm nguy cơ phải chịu đựng các biến chứng nặng nề.

Dấu hiệu điển hình của đột quỵ não:

Méo mặt hoặc méo miệng: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi đột quỵ xảy ra. Thông thường, tình trạng méo miệng xuất hiện ở một bên mặt. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh há miệng lớn hoặc cố gắng mỉm cười. Nếu một bên miệng không thể nhấc lên, đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

Yếu hoặc liệt tay: Yếu cơ hoặc liệt cơ ở một bên tay là triệu chứng phổ biến. Khi yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên, tay bị ảnh hưởng thường không thể giữ được ở cùng mức với tay kia. Đây là biểu hiện của tổn thương vùng não điều khiển vận động.

Khó nói hoặc không nói được: Đột quỵ thường gây ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ. Người bệnh có thể nói lắp, nói khó, không diễn đạt được ý muốn, hoặc thậm chí mất khả năng nói hoàn toàn. Điều này xảy ra do tổn thương vùng não kiểm soát chức năng ngôn ngữ.

Mất ý thức và hôn mê: Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể nhanh chóng mất ý thức và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.

 Đột quỵ, từng được coi là bệnh lý chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, đang ngày càng gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi.

Đột quỵ, từng được coi là bệnh lý chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, đang ngày càng gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi.

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa đột quỵ và nhồi máu cơ tim vì cả hai đều là những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, có nguyên nhân liên quan đến hệ thống mạch máu và biểu hiện ban đầu đôi khi tương tự. Tuy nhiên, bản chất và cơ chế của hai bệnh này lại khác nhau.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch, cũng cho hay đột tử do bệnh tim mạch có thể hiểu như là "đột quỵ tim". Vì đây là tình trạng người bệnh tử vong một cách bất ngờ, đột ngột, ngay lập tức khi vừa phát hiện. Tình trạng này từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là bệnh lý cấp tính về tim mạch (hay gặp nhất là ngừng tim và nhồi máu cơ tim).

Dấu hiệu của dột quỵ tim:

Đau hoặc tức ngực
Choáng váng, buồn nôn hoặc nôn ói
Đau hàm, cổ hoặc lưng
Khó chịu hoặc đau ở cánh tay hoặc vai
Khó thở

Ngoài ra, khi có các triệu chứng khó thở, chóng mặt, đau hoặc tức ngực, ho ra máu, đau bụng dữ dội, đau thắt lưng, tụt huyết áp, sốc, bụng nổi khối... người dân cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế. Điều này giúp bệnh nhân được xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do thuyên tắc động mạch phổi và phình hoặc vỡ động mạch chủ.

Để phòng tránh đột quỵ não và đột tử do bệnh tim mạch, Hiệp hội Tim học Mỹ (American Heart Association - AHA) khuyến cáo người dân nên áp dụng cách theo dõi 7 yếu tố sức khỏe và hành vi chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ tên là "Life’s Simple 7" (7 nguyên tắc sống đơn giản) gồm:

Quản lý huyết áp: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch và đột quỵ. Giữ huyết áp trong ngưỡng bình thường (<120/80 mmHg) giúp giảm áp lực lên tim và mạch máu.
Kiểm soát cholesterol: Mức cholesterol cao có thể gây tích tụ mảng bám trong động mạch, làm cản trở lưu thông máu. Mục tiêu là duy trì mức cholesterol LDL (xấu) thấp và HDL (tốt) cao để bảo vệ tim mạch.
Giảm lượng đường trong máu: Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tim và não. Người dân được khuyến cáo theo dõi chế độ ăn uống để duy trì mức đường huyết ổn định.
Tăng cường hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm cân, và tăng cường sức khỏe tim mạch. AHA khuyến nghị ít nhất 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần.
Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim và đột quỵ. Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 24,9 được coi là lý tưởng cho sức khỏe tim mạch.
Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn cân đối với nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Đồng thời, hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn.
Không hút thuốc lá: Hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ. Bỏ thuốc giúp cải thiện sức khỏe tim và phổi, đồng thời kéo dài tuổi thọ.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dau-hieu-canh-bao-con-dot-quy-post1524580.html