Dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối
Ung thư tuyến tụy là căn bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 95%, khó phát hiện sớm bởi người mắc gần như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, tại Mỹ, đây là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 3 trong số các bệnh ung thư vào năm 2018. Ước tính năm 2020, Mỹ có khoảng 56.770 ca mắc ung thư tuyến tụy mới.
Các chuyên gia cho biết tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên tới 95%. Bệnh cũng rất khó phát hiện bởi ở giai đoạn đầu, các khối u phát triển thầm lặng, không có triệu chứng.
Tuyến tụy là cơ quan hình thuôn nằm sâu trong ổ bụng. Nó đóng vai trò quan trọng với hệ tiêu hóa và nội tiết. Tuyến tụy tiết các hormone để điều hòa cơ thể và enzyme tiêu hóa phân hủy thức ăn.
Ung thư tuyến tụy gồm 2 loại là ngoại và nội tiết. Trong đó, 95% trường hợp được chẩn đoán ung thư tuyến tụy ngoại tiết và dạng phổ biến nhất là biểu mô tuyến. Tế bào ung thư bắt đầu từ ống dẫn của tuyến tụy.
Khả năng sống sót của người mắc ung thư tuyến tụy phụ thuộc giai đoạn và mức độ tế bào ác tính phát triển. Ủy ban Hỗn hợp Ung thư Mỹ (AJCC) phân chia các giai đoạn dựa theo 3 tiêu chí:
- Mức độ của khối u (T): Khối u lớn như thế nào? Nó có phát triển bên ngoài tuyến tụy và mạch máu lân cận không?
- Mức độ lây lan đến hạch bạch huyết lân cận (N): Tế bào ung thư có lan đến hạch bạch huyết lân cận không? Nếu có, bao nhiêu hạch bạch huyết bị ung thư?
- Mức độ di căn đến các vị trí xa (M): Ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết ở xa hoặc cơ quan như gan, niêm mạc khoang bụng (phúc mạc), phổi, xương chưa?
Dựa trên cách phân loại trên, ung thư tuyến tụy gồm 4 giai đoạn. Đầu tiên, giai đoạn 0 xuất hiện khi tế bào ung thư giới hạn ở lớp trên cùng của các tế bào ống tụy, chưa xâm lấn vào các mô sâu hơn. Nó cũng chưa tràn ra ngoài tuyến tụy. Lúc này, chúng còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (Tis).
Giai đoạn I xảy ra khi tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc bộ phận khác của cơ thể. Lúc này, các khối u thường nhỏ hơn 2 cm, có thể lớn hơn nhưng không vượt quá 4 cm.
Ở giai đoạn IIA, khối u lớn hơn 4 cm, vượt ra ngoài tuyến tụy. Tuy nhiên, nó chưa lan đến các động mạch, tĩnh mạch, hạch bạch huyết hoặc bộ phận khác trong cơ thể. Đến giai đoạn IIB, khối u phát triển lớn, lan ra một đến 3 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa tiếp cận động hay tĩnh mạch.
Giai đoạn IIIA đánh dấu bởi việc khối u lan tới 4 hạch bạch huyết trở nên nhưng vẫn chưa xâm lấn động mạch, tĩnh mạch và bộ phận khác. Bước sang giai đoạn IIIB, khối u chính thức “ăn” vào các động, tĩnh mạch nhưng chưa tới những bộ phận khác.
Giai đoạn IV hay còn gọi là giai đoạn cuối là lúc bệnh nhân bị di căn. Các tế bào ung thư xâm lấn cơ quan khác như phổi, xương, gan… Ngay cả sau khi điều trị, bệnh cũng có thể tái phát.
Dấu hiệu khó phát hiện
Khi con người già đi, nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy ngày càng tăng. Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy trong độ tuổi từ 45 trở lên. Gần 90% ca mắc ung thư tuyến tụy là trên 55 tuổi. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Theo tổ chức American Cancer Society, ung thư tuyến tụy là bệnh khó phát hiện sớm. Bởi tuyến tụy nằm sâu bên trong cơ thể, nếu chỉ khám sức khỏe thông thường, các bác sĩ cũng khó nhìn thấy các khối u. Bản thân bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh gần như không thể phát hiện vì nó tiến triển âm thầm, không triệu chứng.
Tổ chức trên cũng khuyến cáo chúng ta nên cẩn trọng với những triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến tụy sau đây:
Vàng da, mắt: Hầu hết người bị ung thư tuyến tụy hoặc ống tủy đều sẽ gặp triệu chứng này. Đây cũng là dấu hiệu đầu tiên có thể nhận biết người mắc ung thư tuyến tụy.
Tình trạng vàng da do sự tích tụ của bilirubin - chất có màu vàng nâu sẫm, tạo ra trong gan - gây ra. Bình thường, gan tiết chất lỏng là mật chứa bilirubin. Mật đi qua ống chung vào ruột. Tại đây, nó sẽ phân hủy chất béo và đào thải qua đường phân. Ống mạch chủ bị tắc nghẽn dẫn đến mật không thể tới ruột, lượng bilirubin trong cơ thể tích tụ và gây hiện tượng vàng da, vàng mắt.
Đi kèm triệu chứng vàng da, mắt là nước tiểu đổi màu sẫm do nồng độ trong bilirubin trong máu tăng cao. Phân của người bệnh cũng có thể sáng màu hơn hoặc nhờn. Người bệnh gặp thêm tình trạng ngứa da.
Những dấu hiệu này tương tự sỏi mật, viêm gan, ung thư gan nên thường bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm.
Đau bụng hoặc lưng: Dấu hiệu này xuất hiện khi các khối u ác tính từ thân, đuôi của tuyến tụy phát triển lớn, chèn ép lên những cơ quan lân cận và gây đau. Ung thư tuyến tụy di căn đến dây thần kinh xung quanh cũng gây đau lưng và vùng bụng.
Giảm cân, kém ăn, buồn nôn: Những dấu hiệu về tiêu hóa ở người mắc ung thư tuyến tụy xuất hiện do tế bào ác tính chèn ép dạ dày, khiến thức ăn khó đi qua. Từ đó, bệnh nhân bị buồn nôn, đau bụng sau ăn dẫn đến chán ăn. Nhiều người mắc ung thư tuyến tụy bị sụt cân bất thường.
Túi mật hoặc gan to: Ung thư tuyến tụy có thể gây tắc ống mật dẫn đến phình to cơ quan này. Các bác sĩ có thể chẩn đoán nó qua khối u lớn bên phải lồng ngực hoặc chụp CT, X-quang. Ung thư tuyến tụy trong nhiều trường hợp có thể gây to gan, đặc biệt ở giai đoạn cuối, bệnh đã di căn tới cơ quan này.
Cục máu đông ở tĩnh mạch: Dấu hiệu này thường gặp nhất ở chân. Nó được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Kèm theo các cục máu đông là đau, sưng, đỏ, ẩm ở chân. Một số trường hợp cục máu đông di chuyển đến phổi, vỡ ra và gây tức ngực, khó thở.