Dấu hiệu cảnh báo ung thư xương ở trẻ cha mẹ cần lưu ý
Sưng, đau không có nguyên nhân cụ thể là hai dấu hiệu có thể cảnh báo ung thư xương ở trẻ. Đặc biệt ung thư xương nguyên phát có tỷ lệ tử vong cao, nhất là với người trẻ.
Ung thư xương ở trẻ thường có dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn cho cha mẹ. Nhiều trẻ đến khám trong tình trạng sưng, đau mỏi chân tay phát hiện ung thư xương. Ung thư xương thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi, đây là giai đoạn xương đang phát triển.
Dấu hiệu nhận biết ung thư xương
Những dấu hiệu ung thư xương thường không điển hình, bệnh diễn ra âm thầm, do vậy thường dễ gây nhầm lẫn.
Trên cơ thể, ung thư xương hay gặp ở "gần gối, xa khuỷu". Bệnh hay gặp ở vị trí đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi (gần gối), đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay (xa khuỷu).
Các triệu chứng ung thư xương không nhiều, chủ yếu là các biểu hiện như:
- Đau mỏi. Đau là triệu chứng thường gặp nhất của ung thư xương. Cơn đau ban đầu có thể xuất hiện rất mơ hồ. Theo thời gian, sẽ xuất hiện những cơn đau ngắn, rõ rệt, liên tục và sử dụng thuốc giảm đau không đỡ. Đau xuất hiện nhiều hơn vào buổi đêm.
- Sưng. Dấu hiệu sưng là do sự xuất hiện của u. Ban đầu khối sưng này nổi gồ trên mặt da, chắc, nắn không đau do vậy dễ nhầm lẫn với việc sưng do va chạm. Theo thời gian, khối u to nhanh hơn, xâm lấn vào phần mềm và có biểu hiện đau khi chạm vào.
- Ngoài ra, người mắc ung thư xương có thể có triệu chứng xương yếu, dễ gãy. Có thể gãy xương do bệnh lý hoặc gãy xương khi có va chạm nhẹ, do đó dễ gây nhầm lẫn với gãy xương do chấn thương.
Ở giai đoạn muộn, ung thư xương có thể gây sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi. Hoặc ở vị trí xương ung thư có thể to lên, gãy xương không do chấn thương, đi khập khiễng… Nếu khi ung thư xương đã di căn phổi có thể phát hiện qua chụp X-quang.
Ung thư xương có chữa được không?
Ung thư xương nguyên phát thường gặp ở lứa tuổi từ 1-12. Đây là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở người trẻ. Việc điều trị ung thư xương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư xương mắc phải, mức độ lan rộng của ung thư, giai đoạn ung thư, mức độ đáp ứng điều trị của bệnh nhân… Dựa vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Trước đây, với những bệnh nhân ung thư xương, thường có chỉ định cắt cụt chi hoặc tháo khớp để loại bỏ khối u và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây với các kỹ thuật tiên tiến, bệnh nhân ung thư xương có thể được chỉ định phẫu thuật bảo tồn chi mà vẫn loại bỏ được khối u.
Khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được lấy hết phần tổn thương ung thư và lấy rộng tổ chức cân cơ bị ung thư xâm lấn. Hiện nay, có thể tái tạo hoặc thay thế phần xương đã bị cắt bỏ, đôi khi cần phải cắt cụt chi trong trường hợp không thể bảo tồn.
Phẫu thuật thay khớp được chỉ định đối với những bệnh nhân ung thư xương có chỉ định (ở giai đoạn sớm, có đáp ứng với hóa chất). Cho đến hiện tại, đã có khoảng 50 ca phẫu thuật thay khớp và tỷ lệ tái phát gần như bằng 0. Thậm chí lần đầu tiên đã có bệnh nhân được thay toàn bộ xương đùi (bao gồm cả khớp gối và khớp háng) cho một bệnh nhân nữ 24 tuổi ung thư xương.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được áp dụng các biện pháp như hóa trị, xạ trị, điều trị triệu chứng.
Ung thư xương sống được bao lâu?
Người mắc ung thư xương không nên bi quan. Thống kê về tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư xương là:
Giai đoạn I: 80%;
Giai đoạn II: 70%;
Giai đoạn III: 60%;
Giai đoạn IV: 20 – 50%.
Ở các nước phát triển, nếu phát hiện sớm, bệnh ung thư xương vừa có thể chữa trị và vừa bảo tồn chi ngay ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư xương, ung thư phần mềm thường tìm đến bệnh viện ở giai đoạn đã muộn. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.