Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, những ai có thể mắc bệnh?

Đái tháo đường tuy không được cảnh báo rầm rộ như những bệnh khác nhưng lại là bệnh cần lưu tâm bởi cho đến nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn.

Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh của rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể. Tức là thông thường khi chúng ta ăn các chất bột đường vào cơ thể, đường sẽ vào máu rồi vào tế bào và tế bào mới là địa điểm thực chất của việc sử dụng đường. Nhưng trong bệnh nhân bị đái tháo đường thì sự di chuyển của đường vào tế bào không thể thực hiện được mà đường chỉ ở lại trong máu. Điều này làm tăng cao đường trong máu và đường đi ra nước tiểu mà chúng ta thường gọi là đường niệu.

Đây chính là căn nguyên dẫn đến các biến chứng mang tính chất thường gặp và nghiêm trọng như: Người bệnh sẽ bị bệnh mạch vành, bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, suy thận, suy giảm thị lực nghiêm trọng, có thể dẫn đến mù lòa. Người ta thấy rằng, người bị đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn người bình thường từ 2 - 4 lần, đột quỵ não là từ 3 - 4 lần. Và 73% bệnh nhân bị đái tháo đường có tăng huyết áp hoặc phải dùng thuốc hạ huyết áp. Hàng chục nghìn người bị mù hàng năm do đái tháo đường. Song có lẽ biến chứng nguy hại nhất là hôn mê và tử vong do đường máu tăng quá cao và nhiễm độc các thể xeton trong máu.

Vì thế mà việc phát hiện sớm và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ trong căn bệnh này luôn được các bác sỹ đặt lên hàng đầu bởi nó quyết định tới khả năng bị nhiễm bệnh và chất lượng cuộc sống.

Đái tháo đường là bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Đái tháo đường là bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Những ai có nguy cơ bị mắc đái tháo đường?

Cho đến nay, người ta chưa tìm được nguyên nhân thỏa đáng của bệnh đái tháo đường, tuy nhiên những yếu tố dưới đây được cho là nguy cơ của bệnh:

Di truyền: Có nghĩa là có một hoặc nhiều thành viên trong gia đình bạn bị bệnh đái tháo đường. Nếu vậy thì bạn có nguy cơ bị đái tháo đường. Mặc dù người ta chưa tìm được một gen nào cụ thể gây ra bệnh này nhưng qua những quan sát dòng dõi, một tỷ lệ lớn người bị đái tháo đường có liên quan tới vấn đề thành viên trong gia đình nhiễm bệnh.

Béo phì: Được các nhà nghiên cứu đánh giá là một yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng nhiều nhất đến bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường týp 2.

Để đánh giá béo phì, chỉ số BMI hay được sử dụng. Có một quy luật được tìm ra, nếu bạn có chỉ số BMI càng cao thì nguy cơ mắc đái tháo đường càng lớn. Nếu bạn có chỉ số BMI cao từ 25 - 30 thì sau 14 năm, bạn có nguy cơ bị đái tháo đường cao gấp 2 - 4 lần so với người thông thường có chỉ số dưới 22. Và hầu như 2/3 số phụ nữ bị mắc đái tháo đường có liên quan đến béo phì và tình trạng thừa cân. Theo ước tính, nếu bạn trên 40 tuổi, cứ 1 đơn vị BMI gia tăng thì bạn cõng thêm 10 - 20% nguy cơ bị đái tháo đường.

Ít hoạt động: Suốt ngày chỉ ngồi một chỗ là một yếu tố của nhiều bệnh, và là một trong các yếu tố rõ ràng nhất của đái tháo đường. Bởi lẽ nếu bạn không phải vận động nhiều, cơ không tiếp nhận đường, dần dần làm nó kháng lại với chính nguồn năng lượng của chính nó.

Nếu công việc của bạn là văn phòng, thay vì đi thang máy, hãy chịu khó đi bộ. Nếu bạn không thích thể thao thì cũng cố gắng chịu bỏ ra 20 phút mỗi ngày để tập thể dục. Nó sẽ làm hạ nguy cơ xuống. Điều này sẽ còn tác dụng hơn nếu bạn thêm thời gian đạt đến 30 phút. Và đừng quên duy trì ít nhất 2 ngày tập 1 lần.

Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh: Dinh dưỡng không lành mạnh làm đẩy cao tỷ lệ béo phì, tăng mức độ rối loạn mỡ máu và làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường.

Tính trung bình, một người lao động nhẹ, 1 ngày không nên ăn quá 80g mỡ hoặc các chất tương đương. Những thực phẩm có nhiều mỡ thì bạn hãy hạn chế. Chúng là mỡ lợn, dầu thực vật, tim, não, thận, các loại thịt động vật. Trong chế biến đồ ăn, nên lựa chọn dầu thực vật bởi nó có nhiều axit béo có tác dụng làm giảm lắng đọng cholesterol ở thành mạch. Cũng đừng quên là chăm ăn rau quả nhé, tích cực bổ sung tôm cá vào bữa ăn, bạn sẽ làm bữa ăn thêm thú vị, nhiều màu sắc, lại có tác dụng ngăn ngừa được căn bệnh không mấy dễ chịu này.

Rối loạn mỡ máu: Đây là một tình trạng thường gặp ở người cao tuổi và người ăn uống vô độ. Nó chính là điều kiện tạo ra những mảng mỡ bám ở thành mạch, thành tim, vùng tụy, bụng, ruột… làm bạn dễ bị đái tháo đường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thường xuyên những bệnh nhân đái tháo đường có rối loạn mỡ máu, cũng thường xuyên trong số họ buộc phải sử dụng thuốc làm giảm tình trạng này.

Bạn chỉ cần tập thể dục đều đặn và cố gắng ăn uống quy chuẩn bạn sẽ giảm được 40 - 60% nguy cơ bị đái tháo đường.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/dau-hieu-cua-benh-dai-thao-duong-nhung-ai-co-the-mac-benh-d156411.html