Dấu hiệu hạ nhiệt trong quan hệ Mỹ - Venezuela
Ngày 8-3, Venezuela công bố trả tự do cho ít nhất 2 tù nhân Mỹ. Động thái thể hiện thiện chí của chính quyền Caracas sau chuyến thăm hiếm hoi của quan chức Nhà Trắng.
Hãng tin Reuters cho hay, một trong những tù nhân Mỹ được Venezuela phóng thích là Gustavo Cardenas, quan chức Công ty dầu khí Citgo (Mỹ) bị bắt năm 2017 và bị kết án hơn 4 năm tù. Công dân Mỹ còn lại được là Jorge Alberto Fernandez, người gốc Cuba. Hiện chưa có thông tin về nơi ở hiện tại của những người này. Tuy nhiên, họ được cho là sẽ bay về Mỹ ngay lập tức sau khi được phóng thích. Được biết, Mỹ đang thuyết phục Venezuela trả tự do cho ít nhất 9 công dân khác, bao gồm 6 lãnh đạo của Citgo, 2 cựu lính mũ nồi xanh và 1 cựu lính thủy đánh bộ.
Nhà chức trách Venezuela đưa ra quyết định này sau khi một phái đoàn cấp cao Mỹ cuối tuần trước đã tới Caracas để đàm phán về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Venezuela, khi chính quyền Tống thống Biden đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Mỹ trong vài năm trở lại đây tới Venezuela, đồng minh quan trọng nhất của Nga ở Nam Mỹ và từng là nhà cung cấp dầu thô quan trọng cho Mỹ trước khi xuất khẩu gặp khó khăn do quản lý yếu kém và các lệnh trừng phạt từ Washington.
Theo nguồn thạo tin, phái đoàn Mỹ đã đề nghị Venezuela đảm bảo về các cuộc bầu cử tổng thống tự do, cải cách ngành công nghiệp dầu mỏ và lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Đổi lại, Mỹ sẵn sàng nới lệnh cấm vận dầu mỏ với Venezuela, cho phép nước này sử dụng hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính với các ngân hàng trên toàn thế giới. Trong cuộc đàm phán, Tổng thống Maduro yêu cầu Mỹ dỡ hoàn toàn lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu dầu với Venezuela, dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt lên ông cùng quan chức chính phủ. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Maduro cho thấy rằng ông sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ để dỡ bỏ các hạn chế đối với Venezuela, một trong những quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Các quan chức Mỹ không nêu chi tiết kết quả cụ thể của cuộc đàm phán, nhưng thông cáo cho biết, các cuộc làm việc phản ánh quá trình xây dựng mối quan hệ trong nhiều tháng, đặc biệt liên quan đến Roger Carstens - đặc phái viên Tổng thống về các vấn đề con tin. Chính quyền Mỹ mô tả đây là chuyến thăm Venezuela đầu tiên của một quan chức Nhà Trắng kể từ cuối những năm 1990 và là cơ hội hiếm hoi để thảo luận các vấn đề chính sách với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro. Một quan chức mô tả đây là “một cuộc đối thoại mang tính xây dựng, ngoại giao nhưng rất thẳng thắn, không đòi hỏi bất kỳ sự ủng hộ nào, nhưng cho phép chính quyền của ông Biden chia sẻ quan điểm về thế giới với lãnh đạo Venezuela”.
Quan hệ Mỹ - Venezuela nhiều năm căng thẳng sau khi Washington dẫn đầu nhóm gần 60 quốc gia công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido và áp lệnh trừng phạt với chính quyền Tổng thống Maduro. Lệnh trừng phạt từ năm 2019 của Mỹ đã ngăn các giao dịch dầu thô của Venezuela, vốn chiếm 96% nguồn thu của quốc gia này. Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, nguồn cung dầu của Venezuela sẽ khó lấp đầy khoảng trống do nhà xuất khẩu dầu Nga để lại trên thị trường thế giới. Ông Francisco Monaldi - Giám đốc Chương trình năng lượng Mỹ Latinh tại Đại học Rice, cho biết, mặc dù Venezuela gần đây đã tăng nhẹ sản lượng dầu, nhưng nước này chỉ sản xuất được khoảng 10% lượng dầu mà Nga xuất khẩu.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dau-hieu-ha-nhiet-trong-quan-he-my-venezuela-post498079.antd