Dấu hiệu khởi sắc của ngành tôm

Những tháng cuối năm, nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, đưa giá thu mua tôm nguyên liệu tăng cao. Người nuôi tôm ở Kiên Giang phấn khởi vì có nguồn thu nhập khá sau thời gian dài đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh, chi phí thức ăn cho tôm tăng cao.

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang thống kê, tính đến ngày 26-9, toàn tỉnh thả nuôi 142.327ha tôm nước lợ, đạt 101,2% kế hoạch; trong đó diện tích tôm công nghiệp đạt 3.356ha, tôm lúa đạt 110.038ha, tôm quảng canh cải tiến 28.933ha.

Các địa phương đánh giá, vụ tôm nước lợ năm nay phát triển tương đối thuận lợi, diện tích thiệt hại do môi trường và dịch bệnh giảm, các mô hình nuôi tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến cho năng suất cao. Nhờ đó, góp phần gia tăng sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh cao hơn so năm 2021. Ước tính hết tháng 9-2022, sản lượng tôm nuôi đạt 101.814 tấn, đạt 93,84% chỉ tiêu tỉnh giao, tăng 29,59% so năm 2021.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xuất khẩu tôm nguyên liệu có nhiều khả quan, doanh nghiệp tăng cường thu mua tôm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, kéo theo tôm nguyên liệu liên tục tăng.

Theo Sở Công thương Kiên Giang, những ngày đầu tháng 10, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động 195.000-200.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng so tháng trước; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá dao động 95.000-110.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so tháng 8; tôm thẻ cỡ 30 con/kg giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg giá từ 230.000 đồng trở lên.

Giá tôm nguyên liệu tăng là tin vui đối với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 khiến giá tôm giảm mạnh, giá thức ăn cho tôm tăng, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp.

Tại vùng sản xuất tôm lúa thuộc các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, hiện nông dân đã hoàn tất thu hoạch tôm trên ruộng lúa, tiến hành gieo sạ vụ lúa mùa trên nền đất nuôi tôm.

Nhiều nông dân nuôi tôm cho biết, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh và thời tiết bất lợi khiến năng suất tôm giảm so năm trước, nhưng bù lại vụ tôm năm nay giá khá cao, mang lại thu nhập khá cho người nuôi tôm.

Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch tôm thẻ chân trắng.

Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch tôm thẻ chân trắng.

Ông Danh Tẩm, ngụ ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên chia sẻ: “Tôi vừa thu hoạch xong vụ tôm trên nền đất lúa, đang bơm nước chuẩn bị xuống giống vụ mùa 2022-2023. Năm trước, do dịch COVID-19 khiến giá tôm giảm mạnh. Năm nay, thương lái vào tận vuông tìm mua tôm với giá cao nên tôi có nguồn thu nhập tăng đáng kể”.

TĂNG TỐC VỀ ĐÍCH

Triển vọng thị trường tôm khả quan tạo động lực cho người nuôi tôm và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư tái sản xuất, mở rộng quy mô thả nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường những tháng cuối năm.

Theo ông Phạm Khắc Kỳ, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, chi phí đầu vào, nhất là chi phí thức ăn tăng cao thời gian qua đã trở thành gánh nặng đối với người nuôi tôm công nghiệp. Giá tôm tăng giúp người nuôi tôm có động lực mở rộng đầu tư ao nuôi.

“Tôi đã thả nuôi 8 ao, với 2 triệu post tôm giống. Tôm đang phát triển thuận lợi, ước sản lượng thu hoạch khoảng 130 tấn”, ông Kỳ cho biết.

Ông Trịnh Hoàng Hải, ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất nói: “Từ nay đến cuối năm 2022, tôi hy vọng giá tôm duy trì ổn định, thời tiết và nguồn nước thuận lợi hơn cho nuôi tôm công nghiệp. Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2023, tôi dự kiến thả nuôi tôm 2 ao, với hình thức thả thưa nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro dịch bệnh”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Sĩ Minh, năm nay Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng tôm 108.500 tấn. Do đó, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp khi có điều kiện thuận lợi; duy trì thực hiện thu mẫu nước để phân tích các chỉ tiêu môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thả nuôi, thu hoạch tôm nuôi, quản lý chất lượng tôm giống, nhất là hoạt động vận chuyển con giống chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân khai báo khi có dịch bệnh trên tôm xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định ngành thú y.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ven biển, dưới tán rừng để gia tăng sản lượng tôm, bù đắp phần sản lượng thiếu hụt từ lĩnh vực đánh bắt thủy sản.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/nganh-tom-kien-giang-tang-toc-ve-dich-10986.html