Dấu hiệu sự sống của Trái đất xấu kỷ lục trước tác động sâu sắc của con người
Một nhóm các nhà khoa học có ảnh hưởng cho biết hôm thứ Tư (28/7) rằng, các tác động thông thường của nền kinh tế toàn cầu đối với biến đổi khí hậu đã khiến các 'dấu hiệu sự sống' của Trái đất xấu đi ở mức kỷ lục và cảnh báo một số hiện tượng bất thường sắp xảy ra.
Băng tan kỷ lục ở Bắc cực - Ảnh: AP
Bài liên quan
Trái đất nóng lên: Ảnh hưởng từ các cuộc xung đột
Ngày Trái đất 2020: Cái nhìn từ Covid-19 và trách nhiệm của chúng ta
Ngày Trái Đất 2020: "Hành động vì khí hậu" cũng cấp bách không kém chống Covid-19
Những hiện tượng bất thường
Các nhà nghiên cứu nằm trong nhóm hơn 14.000 nhà khoa học đã ký vào sáng kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu trên toàn thế giới, nói rằng các chính phủ đã liên tục thất bại trong việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu, bởi "sự khai thác quá mức đối với Trái đất".
Sau một đánh giá tương tự vào năm 2019, các nhà khoa học ghi nhận sự gia tăng "chưa từng có" về các thảm họa liên quan đến khí hậu, bao gồm lũ lụt ở Nam Mỹ và Đông Á và Đông Nam Á, các đợt nắng nóng và cháy rừng kỷ lục ở Australia và Mỹ, cũng như lốc xoáy tàn phá ở châu Phi và Nam Á.
Trong số 31 "dấu hiệu sự sống" - các chỉ số quan trọng về sức khỏe hành tinh bao gồm phát thải khí nhà kính, độ dày sông băng, mức độ băng biển và nạn phá rừng - họ phát hiện ra rằng 18 dấu hiệu đạt mức cao hoặc thấp kỷ lục.
Chẳng hạn, mặc dù ô nhiễm giảm liên quan đến đại dịch, nhưng mức độ khí CO2 và khí mê-tan trong khí quyển đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021.
Greenland và Nam Cực gần đây đều cho thấy mức độ khối lượng băng thấp nhất mọi thời đại và các sông băng đang tan chảy nhanh hơn 31% so với chỉ 15 năm trước, các tác giả cho biết.
Cả nhiệt độ đại dương và mực nước biển toàn cầu đều lập kỷ lục mới kể từ năm 2019 và tỷ lệ thất thoát hàng năm của rừng Amazon ở Brazil đạt mức cao nhất trong 12 năm vào năm 2020.
Nhắc lại nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học nói rằng suy thoái rừng liên quan đến cháy, hạn hán và khai thác gỗ đang khiến các phần của rừng Amazon thuộc Brazil giờ đây hoạt động như một nguồn carbon, thay vì hấp thụ khí từ khí quyển.
Các loài gia súc như bò và cừu hiện đang ở mức kỷ lục, lên tới hơn 4 tỷ con và với khối lượng vượt quá cả con người và động vật có vú trên cạn cộng lại, họ nói.
Tim Lenton, Giám đốc Viện Hệ thống Toàn cầu của Đại học Exeter và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết đợt nắng nóng kỷ lục gần đây ở miền Tây Hoa Kỳ và Canada cho thấy khí hậu đã bắt đầu "hoạt động theo những cách gây sốc, bất ngờ".
Ông nói: “Chúng ta cần đáp lại những bằng chứng cho thấy chúng ta đang đạt đến điểm hạn chế về khí hậu bằng hành động cấp bách không kém để khử carbon trong nền kinh tế toàn cầu và bắt đầu khôi phục thay vì phá hủy thiên nhiên”.
Tình trạng cháy rừng liên miên ở Mỹ, Australia, Brazil... khiến trái đất bị tổn thương - Ảnh: Will Harling
Giải quyết nguyên nhân gốc rễ
Các nhà nghiên cứu cho rằng đã có "bằng chứng xác thực cho thấy chúng ta đang ở gần hoặc đã vượt qua" một số điểm giới hạn khí hậu.
Những cảnh báo này bao gồm sự tan chảy của các tảng băng ở Greenland và Tây Nam Cực, hiện có thể không thể đảo ngược trên quy mô thời gian dài hàng thế kỷ, bất kể loài người có cắt giảm lượng khí thải của nó như thế nào hay không.
Họ cho biết sự gia tăng oxy hóa đại dương và nước ấm đang đe dọa các rạn san hô nước ấm, nơi mà nửa tỷ người dựa vào đó để kiếm thức ăn, thu nhập và phòng chống bão.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BioScience cho biết: “Trước những phát triển đáng báo động này, chúng ta cần cập nhật ngắn hạn, thường xuyên và dễ dàng tiếp cận về tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.
Các tác giả nhắc lại những lời kêu gọi trước đây về sự thay đổi mang tính đột phá trong sáu lĩnh vực: loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm chất ô nhiễm, khôi phục hệ sinh thái, chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật, từ bỏ các mô hình tăng trưởng không giới hạn và ổn định dân số.
Họ cũng kêu gọi đưa giáo dục về biến đổi khí hậu vào các chương trình giảng dạy chính của trường học trên toàn cầu để nâng cao nhận thức.
Trước mắt, các nhà khoa học đề xuất một bộ ba ứng phó khẩn cấp đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Những điều này bao gồm "mức thuế carbon đáng kể", việc loại bỏ và cấm nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, và phát triển các khu dự trữ khí hậu chiến lược như khôi phục và duy trì các bể chứa carbon và các điểm nóng đa dạng sinh học.
William Ripple, giáo sư sinh thái học xuất sắc tại Đại học Lâm nghiệp bang Oregon, cho biết: “Chúng ta cần ngừng coi tình trạng khẩn cấp về khí hậu như một vấn đề độc lập - sự nóng lên toàn cầu không phải là triệu chứng duy nhất của hệ thống Trái đất đang căng thẳng của chúng ta”.
"Các chính sách chống khủng hoảng khí hậu hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chúng: sự khai thác quá mức của con người đối với hành tinh", ông nhấn mạnh.