Dấu hiệu 'tan băng' trong mối quan hệ Anh – Pháp

Hội nghị Thượng đỉnh Anh-Pháp lần đầu tiên sau 5 năm là một sự kiện rất đáng chú ý trong quan hệ song phương giữa hai cường quốc châu Âu.

Bản thân việc tổ chức được Hội nghị này đã là một thành công, mà như bình luận của nhiều quan chức Pháp trên truyền thông thì đối với Paris, việc có thể kết nối và tái lập thói quen làm việc cùng nhau giữa hai quốc gia đã là một thắng lợi.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Anh và Pháp đã trải qua 5 năm rất nhiều sóng gió. Từ khi công chúng Anh bỏ phiếu lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân 2016, Pháp luôn là một trong những nước duy trì quan điểm cứng rắn nhất trong các cuộc đàm phán với các đời chính phủ Anh. Nhìn từ phía Pháp thì sự cứng rắn này là một điều cần thiết bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2018 từng có lần công khai tuyên bố rằng nếu Liên minh châu Âu không xử lý Brexit một cách quyết đoán và mạnh mẽ thì nguy cơ gây ra các phản ứng dây chuyền là rất lớn.

Nói cách khác, lãnh đạo Pháp trong một giai đoạn nhất định đã muốn “trừng phạt” Anh vì Brexit để qua đó bảo vệ lợi ích của EU, nhưng cũng đồng thời nâng cao vị thế của nước Pháp, mà sau khi Brexit diễn ra thì đã trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu. Thái độ này từ phía Pháp bị phía Anh đánh giá hết sức tiêu cực. Dưới thời ông Boris Johnson và bà Liz Truss, các quan chức chính phủ Anh nhiều lần cáo buộc rằng Pháp muốn tận dụng Brexit để làm suy yếu nước Anh, muốn lôi kéo các tập đoàn tài chính rời London để chuyển sang Paris.

Ông Boris Johnson từng nhiều lần công khai chỉ trích Pháp, thậm chí về cả các vấn đề nội bộ của nước Pháp, còn bà Liz Truss thì thậm chí còn tuyên bố “không biết nước Pháp là bạn hay thù”. Bầu không khí hằn học, thậm chí thù địch này lan rộng ra cả giới truyền thông khi báo chí Anh và Pháp luôn tập trung tấn công vào các chủ đề tiêu cực của hai quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng cao điểm liên quan đến làn sóng người tị nạn nhập cư trái phép vào Anh qua eo biển Manche bằng các con thuyền đơn sơ, hay việc tranh chấp nghề cá, hay còn gọi là “cuộc chiến sò điệp” từng khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson đe dọa dùng hải quân can thiệp còn Pháp dọa cắt nguồn điện cung cấp cho các đảo của Anh. Nhà chức trách Pháp thậm chí cũng đã bắt giữ một số tàu cá của ngư dân Anh để trả đũa việc Anh không cấp hạn ngạch đánh bắt hải sản quanh vùng biển Anh cho ngư dân Pháp.

Sau tất cả những sóng gió trong 5 năm qua, việc Anh và Pháp nối lại Thượng đỉnh cấp cao, trước đây vốn được tổ chức hàng năm, là một tin tích cực đối với cả hai phía. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, quan hệ Anh-Pháp luôn rất phức tạp, rất gần gũi thân cận nhưng luôn có yếu tố cạnh tranh, đối địch, dù là đồng minh nhưng hai bên luôn xem nhau là đối thủ cần phải cảnh giác. Tuy nhiên, xét về lợi ích chiến lược lâu dài, cả Anh và Pháp đều hiểu rằng không có bên nào thu được lợi ích nếu duy trì mối quan hệ căng thẳng với bên kia.

Do đó, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Paris ngày hôm nay, hai bên sẽ khởi động lại cơ chế phối hợp đầy đủ như trước kia và sẽ cùng thảo luận một loạt các chủ đề quan trọng, đầu tiên là chính sách nhập cư, cụ thể là nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa hai bên trong việc kiểm soát dòng người vượt biển trái phép từ Pháp sang Anh. Từ nhiều năm qua, Anh và Pháp đã ký Thỏa thuận Touquet, theo đó Anh cung cấp tài chính để Pháp kiểm soát người nhập cư vào Anh ngay trên đất Pháp, ở vùng Calais thay vì ở cảng Dover trên đất Anh. Hai bên thời gian qua đã gia tăng nhiều cơ chế hợp tác trong lĩnh vực này như việc Anh cử thêm cảnh sát sang hỗ trợ Pháp, tăng hỗ trợ tài chính cũng như thiết bị công nghệ tuần tra.

Tiếp đến, là vấn đề liên quan đến điều khoản Bắc Ireland mới được Anh và EU ký kết lại. Anh cần sự ủng hộ đầy đủ của Pháp trong vấn đề này. Xung đột Nga-Ukraine sẽ là một nội dung quan trọng khác, trong đó Anh-Pháp sẽ bàn thảo kỹ việc cùng hỗ trợ quân đội Ukraine trong thời gian tới về mặt đào tạo binh sĩ, cung cấp vũ khí, đạn dược. Cuối cùng, cũng liên quan đến quốc phòng, Anh-Pháp sẽ cùng hồi sinh các thảo luận về các dự án quốc phòng chung, chủ yếu là dự án phát triển vũ khí thế hệ mới, hợp tác năng lượng hạt nhân, vốn từng được đề cập nhiều lần trong các thỏa thuận trước đây như Hiệp định Sandhurst năm 2018 hay các Hiệp ước Lancaster House ký cách đây hơn 1 thập kỷ.

Chuyến thăm Pháp của Vua Charles đệ tam

5 năm qua có thể là coi là giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ Anh-Pháp kể từ sau cuộc chiến Iraq 2003, khi chính phủ Anh của Thủ tướng Tony Blair đứng hoàn toàn về phía Mỹ trong cuộc xâm lược Iraq trong khi chính phủ Pháp của Tổng thống Jacques Chirac và nước Đức khi đó của Thủ tướng Gerhard Schroeder phản đối quyết liệt cuộc chiến này.

Trong 5 năm qua, ngoài các bất đồng gay gắt về Brexit, về người tị nạn, về tranh chấp nghề cá, quan hệ Pháp-Anh còn một đổ vỡ nghiêm trọng khác là Hiệp định an ninh Aukus do Anh ký với Mỹ và Australia vào tháng 09/2021, trong đó nội dung chính là Anh-Mỹ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia, qua đó xé bỏ hợp đồng thế kỷ nhiều chục tỷ euro mà Australia ký với Pháp vài năm trước đó để mua tàu ngầm điện-diesel của Pháp. Khi đó Pháp đã phản ứng gay gắt, coi Aukus là cú đâm sau lưng của các đồng minh và trong một thời gian dài, quan hệ Pháp-Anh nguội lạnh, chính phủ Pháp thậm chí không có một động thái đáng kể nào để đối thoại với chính phủ của ông Boris Johnson.

Sự căng thẳng, lạnh nhạt này có lẽ sẽ còn kéo dài nếu như không xảy ra các sự kiện mang tính thay đổi thời đại tại châu Âu là xung đột tại Ukraine. Biến cố an ninh lớn nhất tại châu Âu trong hơn 3 thập kỷ qua đã buộc các nước phương Tây phải xích lại gần nhau hơn trong một mặt trận chung nhằm hỗ trợ Ukraine, đối phó với Nga cũng như các tác động của xung đột này. Trong bối cảnh đó, dù vẫn còn nhiều bất đồng nhưng với tư cách là hai cường quốc hạt nhân, hai quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất tại châu Âu, Anh và Pháp buộc phải tìm kiếm tiếng nói chung.

Cả hai đều cảm nhận được sức ép và tính khẩn cấp của việc cần đưa quan hệ song phương trở lại bình thường bởi bất cứ rạn nứt nào giữa Anh-Pháp đều có nguy cơ suy yếu NATO và khối đoàn kết của các nước phương Tây. Về mặt cá nhân, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người có quan hệ không mấy tốt đẹp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cũng bị ông Macron đánh giá không cao, cũng đã mất chức Thủ tướng, thay vào đó là bà Liz Truss và tiếp đến là ông Rishi Sunak, người có rất nhiều điểm tương đồng với ông Macron, từ tuổi tác cho đến xuất thân từ giới tài chính ngân hàng trước khi dấn thân vào con đường chính trị.

Một chi tiết khác cũng mang tính “thời điểm”, đó là cả hai nước Anh-Pháp hiện nay đều đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội lớn trong nội bộ, cả hai đều đang phải ứng phó với những cuộc biểu tình, phản kháng xã hội lớn nhất trong vài thập kỷ, tại Pháp là do sự phản đối của dân chúng với dự luật cải cách hưu trí còn tại Anh là vì người lao động không chịu đựng nổi tỷ lệ lạm phát quá cao (10%, cao nhất 4 thập kỷ). Do đó, ở khía cạnh nào đó, chính phủ hai nước có các mối bận tâm chung.

Tất nhiên, chủ đề quan trọng, luôn có tính “thời điểm” với Anh-Pháp là việc cả hai đang có xu hướng siết chặt làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Trước khi sang Pháp 2 ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố dự luật chống nhập cư theo đó người nhập cư trái phép vào Anh trên những con thuyền nhỏ vượt eo biển Manche sẽ không được phép xin tị nạn tại Anh và sẽ bị trục xuất ngay lập tức. Trong khi đó, chính phủ Pháp cũng dự tính sẽ sớm công bố các chính sách cứng rắn hơn về nhập cư thời gian tới nên hai bên có rất nhiều không gian để gia tăng hợp tác. Đối với Hoàng gia Anh, việc Nhà Vua Anh Charles III dự kiến sang Pháp trước khi làm lễ đăng quang cũng là việc làm sống lại một “truyền thống” đẹp khác từ Nữ hoàng Elisabeth II, bởi Pháp chính là quốc gia nước ngoài mà Nữ hoàng Elisabeth II đến thăm nhiều nhất và có nhiều thiện cảm nhất.

Chính sách ngoại giao của Anh và định hướng của EU trong mối quan hệ với London

Việc chính phủ Anh và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận mới về Bắc Ireland cách đây 2 tuần có thể xem là một bước ngoặt mới trong quan hệ Anh-EU hậu Brexit. Về hình thức, thỏa thuận này gỡ bỏ được những bức xúc lớn nhất từ phía Anh trong việc phải đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường nội địa Anh, đảm bảo hàng hóa phải được tự do lưu thông trên tất cả các phần lãnh thổ của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, về sâu xa, giới phân tích tại Anh cho rằng đây là một sự “đặt cược” của Thủ tướng Anh Rishi Sunak vào một tương lai thân cận và mềm dẻo hơn với EU.

Thỏa thuận này không được các phe theo đường lối Brexit cứng rắn tại Anh ủng hộ vì được xem là có quá nhiều nhượng bộ cho EU, như việc vẫn để Tòa án Tư pháp châu Âu có thẩm quyền xét xử tại Bắc Ireland với các vụ việc có liên quan đến châu Âu. Một số chính trị gia ủng hộ Brexit cứng rắn tại Anh cho rằng thỏa thuận mới này thực chất là một cách để chính phủ Anh thực thi Brexit một cách nửa vời, đổi lại là một quan hệ kinh tế gần gũi hơn với EU.

Vấn đề ở đây là sự ủng hộ Brexit tại Anh đang ngày càng mờ nhạt. Gần 7 năm sau cuộc trưng cầu ý dân và hơn 3 năm sau khi hai bên ký thỏa thuận Brexit, ngày càng nhiều người Anh cho rằng Brexit là một lựa chọn thất bại của nước Anh. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ người dân bi quan về Brexit đã cao hơn tương đối rõ tỷ lệ ủng hộ Brexit. Với những người vẫn ủng hộ Brexit, có đến 45% cho rằng Brexit đã diễn ra tệ hơn dự kiến, chỉ có 9% vẫn nghĩ rằng Brexit đã diễn ra đúng kế hoạch.

Vào năm 2021, tỷ lệ này chỉ là 28%. Tại Anh, giới phân tích bắt đầu dùng từ “Bregret” (nước Anh tiếc nuối) thay cho “Brexit” (nước Anh rời EU). Điều đáng nói là ngay cả giới tinh hoa chính trị tại Anh cũng đang thay đổi nhận thức. Cách đây gần 2 tháng, một cuộc họp bí mật đã được tổ chức quy tụ hầu hết các chính trị gia cấp cao của cả hai đảng Bảo thủ, Công đảng và nhiều lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn tại Anh để thảo luận về chủ đề làm thế nào để tránh được các tác động xấu nhất của Brexit.

Cuộc họp này bị phe ủng hộ Brexit lên án là một sự phản bội cuộc trưng cầu ý dân 2016, trong khi giới quan sát trung lập thì nhận định, điều này cho thấy giới tinh hoa chính trị Anh đã nhận ra sai lầm của Brexit nhưng hiện tại không chịu thừa nhận sai lầm đó nên phải tìm các giải pháp trung hòa. Bản thỏa thuận mới về Bắc Ai-len là một hướng đi như thế của Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Cá nhân Thủ tướng Anh là một nhà kinh tế, kỹ trị nên chắc chắn nước Anh sẽ đi theo hướng thắt chặt hơn quan hệ kinh tế với EU trong thời gian tới, không còn quá mộng mơ về khẩu hiệu “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) như thời ông Boris Johnson. Kinh tế sẽ là bước đi đầu tiên và đối ngoại có thể sẽ lĩnh vực tiếp theo. Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền, ông Rishi Sunak chủ yếu tập trung vào đối nội và thể hiện tương đối mờ nhạt về đối ngoại. Cuộc họp Thượng đỉnh Pháp-Anh có thể sẽ là thời điểm để chính phủ mới tại Anh thể hiện rõ hơn trong chủ đề này./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dau-hieu-tan-bang-trong-moi-quan-he-anh-phap-post1006494.vov