Dấu hiệu tiền sản giật và những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với mẹ bầu

Các mẹ bầu cần hiểu rõ về dấu hiệu tiền sản giật để có thể đến cơ sở y tế kịp thời, phòng tránh những biến chứng nặng nề cho mẹ và thai nhi.

Nội dung:

1. Nguyên nhân gây ra tiền sản giật
2. Dấu hiệu tiền sản giật
3. Biến chứng của tiền sản giật
3.1. Hạn chế tăng trưởng của thai nhi
3.2. Sinh non
3.3. Nhau thai bong non
3.4. Hội chứng HELLP
3.5. Sản giật
3.6. Tổn thương cơ quan khác
3.7. Bệnh tim mạch

Việc nhận biết các dấu hiệu tiền sản giật là vô cùng quan trọng ở sản phụ mang thai sau 20 tuần. Kể cả những người có huyết áp bình thường cũng có khả năng mắc bệnh và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi.

1. Nguyên nhân gây ra tiền sản giật

Nhau thai phát triển không bình thường là nguyên nhân gây ra tiền sản giật đã được các nhà khoa học chứng minh. Ở đầu thai kỳ, các mạch máu phát triển để đưa máu qua nhau thai - cơ quan nuôi dưỡng thai nhi. Nếu như các mạch máu này phát triển không bình thường khiến cho chúng trở nên hẹp hơn và phản ứng với các tín hiệu nội tiết tố khác nhau làm cho hạn chế lượng máu chảy qua, mẹ bầu sẽ bị tiền sản giật.

Nguyên nhân của việc phát triển bất bình thường ở các mạch máu này có thể bao gồm:

- Thiếu máu cục bộ ở tử cung và nhau thai.

- Phản xạ căng tử cung do đa thai, thai to.

- Thai phụ bị một số chứng rối loạn như máu khó đông.

- Thai phụ có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus trước đó.

- Do gen.

2. Dấu hiệu tiền sản giật

Tiền sản giật đôi khi có thể xảy ra mà không có bất kỳ một triệu chứng nào. Tuy nhiên dấu hiệu tiền sản giật đầu tiên thường là tăng huyết áp thai kỳ. Do vậy việc theo dõi huyết áp của mẹ bầu là một điều rất quan trọng và không thể bỏ qua.

Huyết áp cao bất thường có thể khởi phát đột ngột hoặc diễn tiến chậm tùy vào mỗi người. Tuy nhiên nếu huyết áp vượt quá 140/90 mmHg hoặc cao hơn và được ghi nhận trong hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất bốn giờ thì được xem là bất thường.

Huyết áp cao bất thường là dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật (Ảnh: Internet)

Huyết áp cao bất thường là dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật (Ảnh: Internet)

Một số dấu hiệu tiền sản giật khác bạn cần lưu ý như sau:

- Có các vấn đề về thận như protein dư thừa trong nước tiểu (protein niệu).

- Đau nhức đầu dữ dội.

- Thay đổi về thị lực như mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

- Đau bụng trên, phần dưới xương sườn bên phải.

- Buồn nôn, nôn.

Đau bụng, buồn nôn là một trong số dấu hiệu tiền sản giật có thể gặp (Ảnh: Internet)

Đau bụng, buồn nôn là một trong số dấu hiệu tiền sản giật có thể gặp (Ảnh: Internet)

- Giảm lượng nước tiểu.

- Giảm lượng tiểu cầu trong máu.

- Suy giảm chức năng gan.

- Khó thở.

- Tăng cân đột ngột.

- Phù ở mặt, tay và chân.

Tuy nhiên, các dấu hiệu này có thể xảy ra ở các mẹ bầu bình thường trong giai đoạn mang thai. Chính vì vậy cần theo dõi cẩn thận và không được chủ quan.

3. Biến chứng của tiền sản giật

Tiền sản giật vô cùng nguy hiểm đối với thai phụ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những biến chứng tiền sản giật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và bé.

3.1. Hạn chế tăng trưởng của thai nhi

Tiền sản giật nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến việc thai nhi phát triển chậm, hay còn gọi là hạn chế tăng trưởng của thai nhỉ. Từ đó dẫn đến bé nhẹ cân hoặc sinh non. Điều này là do tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến các động mạch mang máu đến nhau thai. Máu đến nhau thai bị ảnh hưởng dẫn đến bào thai có thể không nhận đủ máu, oxy và chất dinh dưỡng.

3.2. Sinh non

Sinh non là một biện pháp cần đến nếu sản phụ bị tiền sản giật có các triệu chứng nghiêm trọng. Điều này là rất cần thiết để cứu mạng của cả mẹ và em bé. Tuy nhiên sinh non sẽ có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và các vấn đề khác ở em bé.

Tiền sản giật có thể khiến trẻ bị sinh non - Ảnh Internet

Tiền sản giật có thể khiến trẻ bị sinh non - Ảnh Internet

3.3. Nhau thai bong non

Một biến chứng khác của tiền sản giật là làm tăng nguy cơ bị vỡ nhau thai. Việc nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh nếu diễn ra đột ngột và nghiêm trọng có thể gây chảy máu nặng. Điều này sẽ đe dọa tính mạng cho cả sản phụ và em bé.

3.4. Hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là một rối loạn về gan và máu có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng của hội chứng HELLP thường mơ hồ và rất khó để chẩn đoán sớm. HELLP là từ viết tắt của H - Hemolysis (tan máu), EL - Elevated liver enzymes (men gan cao), LP - Low platelet count (số lượng tiểu cầu thấp).

Hội chứng HELLP thường được xem là một biến thể của tình trạng tiền sản giật, xảy ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ và hiếm khi xảy ra sau sinh.

3.5. Sản giật

Nếu không thể kiểm soát được tình trạng tiền sản giật thì sản giật bao gồm tiền sản giật và các cơn co giật sẽ xảy ra. Các cơn sản giật rất khó để dự đoán và thường không có triệu chứng hay dấu hiệu cảnh báo.

Nếu cơn sản giật xảy ra, để tránh các hậu quả nghiêm trọng có thể đến cho cả mẹ và bé, bác sĩ sẽ chỉ định sinh bất kể số tháng tuổi của thai nhi.

3.6. Tổn thương cơ quan khác

Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật mà nó có thể tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể. Một số tổn thương có thể kể đến như gan, thận, tim, phổi hoặc mắt. Nó cũng có thể gây ra đột quỵ và các chấn thương não khác nếu không được điều trị kịp thời.

3.7. Bệnh tim mạch

Biến chứng cuối cùng có thể xảy đến với thai phụ mắc tiền sản giật là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch về sau. Nếu sản phụ sinh non hoặc mắc tiền sản giật nhiều lần thì nguy cơ sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Anh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dau-hieu-tien-san-giat-va-nhung-anh-huong-nghiem-trong-doi-voi-me-bau-41202024816030166.htm