Dấu hiệu vi phạm hình sự trong vụ tổ cưỡng chế lấy tài sản của dân

Theo luật sư, thành viên trong tổ cưỡng chế có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người dân có nhà bị cưỡng chế.

Cơ quan chức năng TP Thủ Đức, TP.HCM, đang điều tra vụ tổ cưỡng chế bị tố lấy nhẫn, đồng hồ của chủ công trình vi phạm ở phường Hiệp Bình Chánh.

Trước thông tin ban đầu, ngày 17/5, UBND phường Hiệp Bình Chánh thuê 5 nhân công đến cưỡng chế, tháo dỡ ngôi nhà của bà H.T.B.C. Quá trình cưỡng chế, một số nhân công đã lấy nhiều tài sản của gia chủ, gồm: 3 chiếc nhẫn, 8 đồng hồ đeo tay, 3 con heo đất đựng tiền tiết kiệm.

Sau khi phát hiện vụ việc, bà C. đã trình báo công an sở tại, sau được đã nhận lại tài sản. Tuy nhiên, người phụ nữ này cho biết gia đình còn một chiếc đồng hồ có giá trị cao chưa được trả lại.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

Hành vi của người thi hành công vụ lấy tài sản của người dân khi thực hiện thủ tục cưỡng chế hành chính là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, xác định giá trị tài sản để khởi tố, xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Theo quy định, khi người dân vi phạm quy định về sử dụng đất, vi phạm về trật tự xây dựng, đã bị xử lý hành chính mà không chấp hành sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện các quyết định hành chính.

 Những tài sản mà nhóm 5 người trong tổ cưỡng chế lấy của gia chủ. Ảnh: T.S.

Những tài sản mà nhóm 5 người trong tổ cưỡng chế lấy của gia chủ. Ảnh: T.S.

Trong quá trình thực hiện thủ tục cưỡng chế phá dỡ nhà ở hoặc thủ tục cưỡng chế xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, cơ quan chức năng phải đảm bảo an toàn cho những người sinh sống trong ngôi nhà đó, bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.

Những tài sản bị cưỡng chế, tháo dỡ, thu giữ sẽ phải được liệt kê trong quyết định, văn bản, danh sách trong thủ tục tổ chức cưỡng chế. Ngoài những công trình vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ, những tài sản được xác định là vật chứng có thể bị thu giữ, thì những người thi hành công vụ không được phép xâm phạm đến bất kỳ tài sản nào khác của công dân.

Nếu người có chức vụ quyền hạn mà lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý kỷ luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu hoặc nhóm tội phạm về chức vụ.

Trong vụ việc này, những người được cơ quan nhà nước huy động để tham gia cưỡng chế, được trao quyền lực Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ công nên được xác định là người thi hành công vụ.

Hành vi lấy nhiều tài sản dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cụ thể là Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 335 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ vai trò, nhiệm vụ của những người đã lấy tài sản của nạn nhân, làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, diễn biến hành vi của từng người, đồng thời xác định giá trị những tài sản mà nhóm người này đã lấy đi để làm căn cứ xử lý.

Theo Điều 335, người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 100 triệu đồng, bị phạt tù 1-6 năm.

Trong trường hợp hành vi chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhóm tội phạm về chức vụ, thì hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của nhóm người này cũng sẽ bị khởi tố về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Hải Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-vi-pham-hinh-su-trong-vu-to-cuong-che-lay-tai-san-cua-dan-post1320451.html