Dấu hỏi dành cho 'Phù thủy trắng'
Trên lý thuyết, Philippe Troussier là HLV danh tiếng nhất từng tới làm việc tại Việt Nam. Nhưng cũng không thể nói như đinh đóng cột rằng, Troussier sẽ mang tới thành công cho U19 Việt Nam chỉ nhờ bản lý lịch hoành tráng của mình. Nhất là khi, quãng thời gian làm việc của ông chỉ vỏn vẹn trong 2 tháng.
Bảng thành tích đáng nể
Trong giai đoạn đầu thế kỷ, Philippe Troussier là gương mặt quen thuộc của làng bóng đá châu Á. Với vai trò HLV trưởng ĐT Nhật Bản, Troussier đã giúp đội bóng có biệt danh “Samurai Xanh” vô địch châu Á năm 2000 và vượt qua vòng bảng World Cup 2002 - thành tích lịch sử của bóng đá quốc gia Đông Á.
Đó được xem như giai đoạn hoàng kim của Troussier và bản thân ông cũng được LĐBĐ Châu Á trao tặng giải thưởng “HLV AFC xuất sắc nhất năm 2000”. Nakata hay Nakamura, những huyền thoại bóng đá Nhật đều đã từng là học trò của chiến lược gia người Pháp.
Trước khi đến với xứ sở mặt trời mọc, Troussier cũng là “gương mặt thân quen” tại châu Phi. Lục địa đen và mảnh đất khắc nghiệt nơi đây đưa Troussier lên tầm cao mới, vị trí ông sẽ chẳng bao giờ leo tới nếu làm việc tại châu Âu như đã thừa nhận vào năm 1999 trên tạp chí France Football.
Ở đấy, người ta gọi ông là “Phù thủy trắng” để khắc ghi công lao của Troussier trong công cuộc khai phá, cải tổ công tác đào tạo và huấn luyện bóng đá. Đỉnh cao chói lọi của Troussier là chiến tích đưa Nam Phi vượt qua vòng loại World Cup 1998.
Sinh năm 1955, Troussier theo nghiệp quần đùi áo số nhưng ở tuổi chưa tới 30, ông sớm nhận ra mình không phù hợp với công việc. Nhưng tình yêu bóng đá thì vẫn còn nguyên và thế là, Troussier chọn cho mình lối đi khác mà vẫn gắn liền với trái bóng.
Ở tuổi 37, ông đã hoàn thành toàn bộ hệ thống chứng chỉ HLV của UEFA. Nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đưa Troussier tới INF Vichy, đội bóng tập hợp những cầu thủ ăn tập tại trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Pháp, trực thuộc LĐBĐ Pháp.
Công việc đầu tiên nghe thì không có gì thú vị và hấp dẫn nhưng quả thực, mở ra góc nhìn hoàn toàn mới cho Troussier. LĐBĐ Pháp đặc cách để INF Vichy tham gia giải hạng 3, đồng thời bỏ qua luật lên-xuống hạng với “đội bóng” này nhằm mục đích tạo sân chơi cho cầu thủ trẻ. Đây là tiền đề, là ví dụ sống động in sâu vào tâm trí Troussier và đi theo ông tới châu Phi.
Liều lĩnh tới ACES Mimomas tại Bờ Biển Ngà xem bóng đá châu Phi nó ra “mô tê” gì, Troussier như mở cờ trong bụng. Ông biết rằng các cầu thủ ở đây tố chất tốt, kỹ thuật hay nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn và trên tất cả, họ không có một giáo trình chỉ lối, đồng bộ và quy chuẩn hóa nền bóng đá.Từ Bờ Biển Nga, Troussier tới qua Nigeria, tới Burkina Faso rồi Nam Phi và ở đâu, ông cũng áp dụng những gì học được tại INF Vichy. Nói cách khác, Troussier là người khai phá, người mở đường tại châu Phi.
…nhưng hãy thận trọng!
Trong buổi họp báo ra mắt U19 Việt Nam trên cương vị mới, Troussier có nói về hợp đồng làm việc giữa hai bên. Nó không phải một hợp đồng lao động thông thường, chỉ kéo dài 2 tháng và nói cho đúng, thì đây là dạng “thỏa thuận hợp tác” giữa VFF và PVF - nơi Troussier đang là Giám đốc kỹ thuật của trung tâm. Hiểu nôm na thì trong 2 tháng tới, nếu Troussier giúp U19 Việt Nam vượt qua vòng loại châu Á, ông sẽ tiếp tục công việc. Còn không? Đấy chính là vấn đề cần giải đáp.
Tại sao chỉ là 2 tháng? Trong trường hợp Troussier thất bại với chiến dịch lần này, ông có thể sẽ “rút lui” mà không gặp phải quá nhiều chỉ trích, bởi xét cho cùng, đã là “hợp tác và giúp đỡ” thì người ta có quyền từ chối, có quyền lui về phía sau mà không cần chịu trách nhiệm nặng nề. Đó là một giả thuyết hợp lý và nước đi khôn ngoan của Troussier, nhất là khi đặt câu chuyện trong bối cảnh 15 năm qua, Troussier đã rời xa bóng đá đỉnh cao. Một quãng thời gian quá lâu, đủ để nghề nghiệp của một HLV thui chột ít nhiều!
Sau giai đoạn 2 tháng ngắn ngủi làm việc ở Morocco năm 2005, sự nghiệp của Troussier bắt đầu trượt dốc. Ông thất nghiệp tới 3 năm mới tìm được công việc tại Ryukyu, Câu lạc bộ ở giải… hạng 3 Nhật Bản. Sau đó, Troussier tìm tới Shenzen Ruby của Trung Quốc, nơi ông tạo ra “kỷ lục” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá đất nước đông dân nhất thế giới.
Ngay trong năm đầu tiên làm việc, Troussier đưa Shenzen Ruby… xuống luôn hạng nhất, trở thành CLB đầu tiên từng vô địch quốc gia phải xuống hạng kể từ ngày LĐBĐ Trung Quốc thành lập. Sai lầm của Troussier là khi tiếp quản đã vội vàng thanh lý đội hình và đôn cầu thủ trẻ của học viện lên, câu chuyện gần giống với những gì bầu Đức đã làm với Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2014.
Những sai lầm trong quản trị, cộng thêm phương pháp huấn luyện có phần “lỗi mốt” như miêu tả của tờ Japan Times vào năm 2011 khiến Troussier không thể tìm được công việc đỉnh cao. Ông tiếp tục “ngồi chơi xơi nước” trong 3 năm trước khi nhận lời về làm việc tại PVF.
Có nguồn tin cho rằng trong nhiều năm qua, thu nhập của Troussier chủ yếu tới từ… một trường mẫu giáo và một trung tâm bóng đá cộng đồng tại Nhật Bản. Rõ ràng, Troussier mang tới nhiều lo lắng hơn là hy vọng. Trong bóng đá đỉnh cao, tính liên tiếp xuyên suốt sự nghiệp là tối quan trọng, tiêu chí Troussier lại chưa đáp ứng.
Trước Troussier, có rất nhiều HLV đem theo bản lý lịch hoành tráng tới để rồi thất bại nặng nề. Điển hình nhất là Falko Goetz, người từng giúp Hertha Berlin giành vé dự Champions League.
Hãy chờ xem, Troussier sẽ mang điều gì tới cho U19 Việt Nam. Dù sao, cũng là đáng để VFF thử sức với HLV “đình đám” nhất họ từng làm việc trong nhiều năm qua. Nghĩ tích cực, nếu thua cũng chẳng có gì để mất vì PVF chi trả, hỗ trợ toàn bộ chi phí trong 2 tháng. Còn thắng, tất nhiên là quá mừng.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-mat-the-thao/dau-hoi-danh-cho-phu-thuy-trang-561241/