Dấu hỏi về hiệu quả dạy học trực tuyến mùa dịch bệnh

Nhiều trường đại học đã triển khai đồng loạt hình thức đào tạo trực tuyến để ứng phó với dịch Covid-19, song hiệu quả của phương pháp này đến nay vẫn đang là một dấu hỏi.

Nhiều ý kiến khẳng định, giảng dạy trực tuyến chất lượng không thể bằng dậy trực tiếp

Nhiều ý kiến khẳng định, giảng dạy trực tuyến chất lượng không thể bằng dậy trực tiếp

Do dịch Covid-19, các trường đại học đã đóng cửa từ cuối tháng 1/2020. Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, 63 trường đại học công lập và 42 trường dân lập đã thực hiện đào tạo trực tuyến, 82 trường chưa thực hiện và 33 trường khối an ninh - quốc phòng vẫn đào tạo tập trung.

TS. Nguyễn Duy Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình thẳng thắn nhìn nhận, phương pháp dạy học trực tuyến chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

"Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về kết quả của hình thức dạy học trực tuyến. Song phải nói thẳng rằng, chắc chắn giảng dạy trực tuyến không thể mang lại chất lượng bằng dậy trực tiếp", ông Cường khẳng định và lấy dẫn chứng tại Trường ĐH Y Dược Thái Bình.

Do đặc thù của ngành y khoa, khi dạy trực tiếp, các giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành rất nhiều, nhưng lại không thể thực hiện đối với giảng dậy trực tuyến, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học và khả năng tiếp thu của các học viên.

Tại Hội nghị trực tuyến “Tác động của việc đóng cửa trường đại học đối với các hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học” do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức, TS. Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng cũng cho biết, trường đã triển khai đào tạo trực tuyến hai tháng nay với 162 học phần cho 2.700 sinh viên.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, do trường có rất nhiều học phần thực hành và thí nghiệm nên mặc dù cố gắng thực hành mô phỏng khi dạy trực tuyến nhưng phương pháp này vẫn không thể hiệu quả bằng dạy học trực tiếp.

Mặt khác, do những khó khăn về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ của thầy cô trong giảng dạy trực tuyến chưa cao nên trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, do chưa có quy định về học phí trực tuyến nên các trường đều đang vướng vấn đề này phí vì chưa biết thu học phí thế nào.

Một khó khăn nữa được TS. Lê Vũ Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM chia sẻ, dạy học trực tuyến có những hạn chế như tính tương tác không cao. Nhiều sinh viên của trường ở các vùng nông thôn, miền núi, điều kiện sở hữu máy tính và kết nối mạng internet kém, thậm chí không có mạng nên không thể học trực tuyến.

Đây cũng là lý do khiến Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng chỉ có 70 - 80% sinh viên tham gia vào phương pháp học này.

Chính vì những băn khoăn về chất lượng dạy học trực tuyến, ông Nam cho biết tới ngày 4/5 trường sẽ quay trở lại dạy học tập trung nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ tuyên bố kết thúc thời gian cách ly xã hội.

Khi học tập trung, trường sẽ bố trí hai buổi dạy trực tiếp để giảng viên trao đổi, kiểm tra lại bài giảng, đảm bảo chất lượng dạy học.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho công tác đánh giá kết quả, trường sẽ có kế hoạch triển khai theo nhiều hình thức như thi trực tuyến như thi vấn đáp, thi trắc nghiệm, thi tự luận, đồ án, làm bài tập trên máy tính. Tùy điều kiện của từng khoa sẽ đăng ký lựa chọn thi hình thức đánh giá phù hợp.

Đại diện Đại học Huế cũng cho biết, dù học trực tuyến nhưng công tác kiểm tra đánh giá, bài thi kết thúc học phần chưa thể thực hiện online. Trường không đánh giá 100% kết quả học trực tuyến. Quy chế đào tạo trực tuyến tạm thời của Đại học Huế chỉ công nhận kết quả 50%, phần còn lại sẽ phải chờ vào thực hành, làm đồ án và thi kết thúc học phần.

Vấn đề đặt ra là các trường tổ chức học như thế nào để có thể đảm bảo duy trì liên tục các hoạt động giảng dạy và kiểm tra đánh giá, đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu và quản trị đại học.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này trong bối cảnh hình thức dạy học trực tuyến chưa mạng lại hiệu quả như mong đợi, lãnh đạo các trường đại học đều cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các trường thành viên thuộc mạng lưới AUF, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, sáng kiến cũng như nguồn tài liệu học tập trực tuyến, đặc biệt là chia sẻ thông qua nền tảng BNEUF.

Ông Nam gợi ý, các trường đại học có thể xem xét khả năng triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu, chia sẻ các học liệu, giáo trình, tài liệu tham khảo trên nền tảng online để học viên có thể dễ dàng tiếp cận.

Đánh giá hình thức đào tạo trực tuyến là xu hướng tất yếu, không phải chỉ để giải quyết trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Nam cho rằng, Bộ Giáo dục và đào tạo cần hỗ trợ tăng cường cho các trường về công nghệ thông tin, dữ liệu, phần mềm để phát triển giảng dạy online.

Đồng thời, bộ cũng cần có những văn bản hướng dẫn, quy định, quy chuẩn trong giảng dạy trực tuyến, tập huấn, chuyển giao kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng dạy học một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường có nhiều sinh viên là dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, nâng cấp cơ sở hạ tầng để họ có điều kiện tham gia học tập trực tuyến, ông Nam kiến nghị.

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dau-hoi-ve-hieu-qua-day-hoc-truc-tuyen-mua-dich-benh-1587115661728.htm