Dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành năng lượng

PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch vẫn là chủ yếu trong thời gian tới. Vì vậy, ngành Dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng.

Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam luôn đạt con số ấn tượng về tốc độ tăng trưởng, là một trong những điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại như đã nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị.

Dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành năng lượng

Dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành năng lượng

Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa thì năng lượng là không thể thiếu và ngày càng tăng cao (nhu cầu năng lượng hiện tại của nước ta đã trên 10%), do đó tất yếu nhu cầu trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế nhằm đạt được mục tiêu đề ra và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt khi nước ta đặt mục tiêu giảm điện than từ 53% xuống còn 40%.

Thêm vào đó, với thực trạng hiện tại trang thiết bị lạc hậu, cơ cấu kinh tế thâm dụng nguyên vật liệu, ý thức tiết kiệm chưa cao, cơ cấu năng lượng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào dầu khí và than đá nên mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo nhưng vẫn chưa đủ tiềm lực, năng lực để tận dụng tốt các tiềm năng này.

Trước thực trạng trên, theo PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch vẫn là chủ yếu trong thời gian tới. Vì vậy, PGS.TS Phạm Tiến Đạt cho rằng dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành năng lượng thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục là một trong những trụ cột chính đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế ở Việt Nam. Theo báo cáo triển vọng năng lượng 2019, cùng với sự phát triển nền kinh tế thế giới nhu cầu về năng lượng toàn cầu sẽ tăng mạnh khoảng 1/3 vào năm 2040.

Trong đó, nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng thế giới. Theo Bristish Petroleum (năm 2018), trong tổng năng lượng sơ cấp mà Việt Nam sử dụng, năng lượng từ dầu khí hiện chiếm tỷ lệ rất cao tới 40%. Như vậy, có thể thấy vai trò của ngành Dầu khí hiện nay trong an ninh năng lượng quốc gia và tầm quan trọng của ngành này sẽ còn giữ vững trong tương lai.

Thứ hai, cung cấp nguồn nhiên liệu cho phát triển nhiệt điện khí nhằm bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh định hướng phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, một trong những quan tâm hàng đầu khi khai thác, sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch đó là môi trường. Phát triển nhiệt điện khí trở thành cách thức giảm thiểu tác hại với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chi phí giá thành cho sản xuất điện theo hình thức này vẫn còn cao do Việt Nam chưa chủ động trong nguồn nhiên liệu.

Ngành Dầu khí với việc triển khai các dự án khí đã góp phần để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhiên liệu khí này. Hiện có 2 siêu dự án khí: Cá Voi Xanh và Lô B - Ô Môn, đang trong giai đoạn phát triển. Vào năm 2023, khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, nguồn cung sẽ được bổ sung hàng chục tỷ m3 mỗi năm, bảo đảm nhiên liệu cho 6-7 nhà máy nhiệt điện khí với công suất đến 6.000-7.000 MW.

Thứ ba, đóng góp trong việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi. Để đảm bảo an ninh năng lượng, việc duy trì vai trò của các nguồn nguyên liệu hóa thạch trong cung cấp năng lượng là cần thiết, tuy nhiên về lâu dài phát triển năng lượng tái tạo mới là hướng đi bền vững cho ngành năng lượng Việt Nam.

Hiện nay, năng lượng gió ngoài khơi đang là một xu thế mới có nhiều triển vọng. Trong đó, dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà do Enterprise Energy UK đề xuất có thể là đột phá mới cho năng lượng Việt Nam. Nếu thành công, dự án này sẽ mở ra một nguồn năng lượng xanh có công suất tới hàng chục ngàn MW; sẽ hình thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mới có giá trị đến hàng 100 tỷ USD.

Trong đó, ngành Dầu khí với những lợi thế về kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn trong việc khiến các dự án về điện gió ngoài khơi có triển vọng đi vào hiện thực góp phần giúp đang hóa nguồn nguyên liệu cho năng lượng tái tạo và củng cố thêm cho an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.

Thứ tư, ngành Dầu khí cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng đầu tư khai thác bên ngoài, đưa Việt Nam vào danh sách các nhà xuất khẩu dầu khí trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành Dầu khí phát triển góp phần bảo đảm tăng trưởng và giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

Việc khai thác dầu khí trên biển góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045. Các nguồn lực đem lại từ phát triển ngành Dầu khí góp phần cân đối vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/dau-khi-van-dong-vai-tro-quan-trong-trong-co-cau-nganh-nang-luong-568978.html