Đâu là động lực phục hồi cho ngành xây dựng 2024?
Chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, đầu tư công được đẩy mạnh, sự gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam,… đang được coi là những động lực cho sự phục hồi của ngành xây dựng trong năm 2024.
Theo khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp được Vietnam Report công bố mới đây, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng đã lạc quan hơn triển vọng chung của ngành với phần đông số doanh nghiệp (52,6%) kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn.
Trong khi đó, 36,9% số doanh nghiệp dự báo ngành xây dựng sẽ chưa có nhiều sự cải thiện, gần như giữ nguyên trạng thái trong năm qua và 10,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn.
Vietnam Report cũng chỉ rõ những động lực cho sự phục hồi của ngành xây dựng trong năm 2024 chủ yếu đến từ các yếu tố ngoại lực.
Thứ nhất, triển vọng phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản sau những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng rằng giai đoạn tới sẽ đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường bất động sản bước qua thời điểm khó khăn nhất và ghi nhận sự chuyển biến với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ, niềm tin thị trường được vưc dậy, tạo điều kiện cho sự phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất cho vay giảm.Các doanh nghiệp xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do đó, khi lãi suất giảm, gánh nặng chi phí lãi vay cũng nhẹ bớt, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận tốt.
Thêm vào đó, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho năm 2024, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Thứ ba, đầu tư công được đẩy mạnh. Trên cơ sở dự toán ngân sách năm 2024 (được Quốc hội thông qua), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn đầu tư công năm nay với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%; trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm áp đảo, lên tới 422.000 tỷ đồng. Tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, trước tiên thúc đẩy nhóm doanh nghiệp nhà thầu hạ tầng.
Thứ 4, sự gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 đã tạo tiền đề thuận lợi cho triển vọng tích cực hơn nữa vào năm 2024 khi vị thế về địa chính trị, trung tâm sản xuất được củng cố, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên, mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho xây dựng công nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng cũng kỳ vọng sức mạnh của bản thân đã được tích lũy, xây dựng và củng cố trong thời gian qua sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp tạo ra những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Tồn đọng không ít trở ngại
Bên cạnh những động lực tăng trưởng, Vietnam Report cũng chỉ ra hành trình phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành còn tồn đọng không ít trở ngại.
Vấn đề lớn nhất là nợ đọng – thiếu vốn. Trên thực tế, hầu hết nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu và áp lực từ nợ đọng có thể khiến doanh nghiệp xây dựng kiệt sức, mất khả năng phục hồi. Doanh nghiệp xây dựng chia sẻ tình trạng nợ đọng đến từ việc hợp đồng xây dựng đang thiếu chặt chẽ, thiếu cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công.
Trong khi đó, dù tín dụng ngân hàng được nới rộng, mặt bằng lãi suất giảm nhưng các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ vẫn khó khăn trong việc vay vốn khi các điều kiện về khả năng tài chính của chính doanh nghiệp không đủ đáp ứng yêu cầu của phía ngân hàng. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có tới 55,6% số doanh nghiệp xây dựng chia sẻ gặp khó khăn về vốn lưu động.
Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, đa phần doanh nghiệp xây dựng dự đoán giá các nguyên vật liệu sẽ tăng trong năm 2024 dù tỷ lệ tăng không quá “nóng”.
Cùng với đó, sức cầu yếu và tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án còn chậm đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn việc của các doanh nghiệp xây dựng.
Chẳng hạn, trong mảng nhà ở thương mại, so sánh từ năm 2020 trở lại đây, số dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng sụt giảm mạnh với chỉ 67 dự án trong năm 2023. Xét trong quý gần nhất - quý IV/2023, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, chỉ có 18,9% doanh nghiệp xây dựng hoạt động từ 90% đến 100% năng lực và 2,7% doanh nghiệp hoạt động trên 100% năng lực thực tế.
Thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Thậm chí, tình trạng cạnh tranh phá giá đã xảy ra.
Không những thế, thị trường xây dựng trong nước kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ về Việt Nam, tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ các nhà thầu ngoại khi nhiều chủ đầu tư FDI dành sự ưu tiên cho các nhà thầu đến từ quốc gia của họ.
Tuy vậy, các doanh nghiệp xây dựng đang có các động thái để cải thiện năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt là quản trị tài chính. Đây là chiến lược có tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn là chiến lược trọng tâm trong năm 2024 cao nhất (72,2%).
Đáng chú ý, trong số các chiến lược ưu tiên năm nay có sự xuất hiện của chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh với sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn so với kết quả khảo sát năm 2023. Tuy nhiên, đây không phải là công thức thành công chung cho tất cả doanh nghiệp, chiến lược này còn phụ thuộc vào năng lực của người lãnh đạo và bộ máy của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp phải chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng điều kiện năng lực nhân sự, năng lực tài chính, năng lực quản trị,... của bản thân để có thể ứng phó, thích nghi với sự khác biệt khi bước chân vào một môi trường, lĩnh vực mới.”, Vietnam Report đánh giá.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/dau-la-dong-luc-phuc-hoi-cho-nganh-xay-dung-2024.html