Đâu là hạn chế của vaccine Covid-19 từ Nga và Trung Quốc?

Các chuyên gia cho rằng hai loại vaccine Covid-19 đang gây chú ý ở Nga và Trung Quốc có cùng một nhược điểm: Chúng đều được phát triển dựa trên một virus cảm cúm phổ biến mà nhiều người đã nhiễm và điều này có thể hạn chế hiệu quả miễn dịch của chúng đối với virus SARS-CoV-2, gây dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19.

 Nga và Trung Quốc là hai nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters

Nga và Trung Quốc là hai nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters

Tại Trung Quốc, vaccine Covid-19 có tên gọi Ad5-nCoV do Công ty dược sinh học CanSino Biologics và Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh thuộc Học viện Khoa học quân y Trung Quốc, hợp tác phát triển, đã được phê duyệt sử dụng cho quân đội. Vaccine này được bào chế dựa trên một phiên bản chỉnh sửa của virus cảm cúm adeno type 5 (Ad5).

CanSino Biologics đang đàm phán để thuyết phục một số nước cấp phép sử dụng vaccine Ad5-nCoV trong tình huống khẩn cấp trước khi nó hoàn tất cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở người, vốn cần đến hàng chục ngàn người tham gia.

Một vaccine Covid-19 khác, có tên gọi Sputnik V, do Viện Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya ở Moscow phát triển, cũng đã được cấp phép sử dụng ở Nga hồi đầu tháng nay dù quy trình thử nghiệm nó chưa hoàn tất. Vaccine này được phát triển dựa vào virus Ad5 và virus Ad26 (một virus cảm cúm khác, ít phổ biến hơn).

Trong nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phát triển các vaccine dựa trên virus Ad5 để ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau nhưng chưa bất kỳ vaccine trong số đó được sử dụng rộng rãi. Họ sử dụng virus Ad5 vô hại như vector (vật trung gian) để đưa thông tin gen của virus đích, trong trường hợp này và virus SARS-CoV-2, vào tế bào con người, giúp tạo ra phản ứng miễn dịch để chống lại virus gây dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 này.

Nhưng thực tế, nhiều người đã từng nhiễm virus Ad5 nên cơ thể họ có sẵn kháng thể trung hòa virus này. Do vậy, sau khi họ được tiêm vaccine Covid-19 được phát triển dựa trên virus Ad5, hệ miễn dịch của họ có thể tấn công vật trung gian thay vì phản ứng chống lại virus SARS-CoV2, khiến hiệu quả miễn dịch bị hạn chế.

“Vaccine Covid-19 dựa trên virus Ad5 khiến tôi lo ngại vì nhiều người có miễn dịch với virus này. Tôi không rõ chiến lược của Trung Quốc và Nga như thế nào.

Phát triển nhanh chóng các vaccine để sử dụng rộng rãi được xem là nhu cầu cấp bách để khống chế đại dịch Covid-19 mà cho đến nay đã khiến hơn 854.000 người trên toàn cầu tử vong.

Cả CanSino Biologics lẫn Viện Gamaleya đều là những nhà sản xuất vaccine có kinh nghiệm và từng phát triển vaccine ngừa bệnh Ebola dựa trên virus Ad5.

Nhiều nhà nghiên cứu chọn các loại virus adeno khác để phát triển vaccine Covid-19. Hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) và Đại học Oxford phát triển vaccine AZD1222 ngừa Covid-19, dựa trên một loại virus adeno đã được giảm độc lực từ tinh tinh có tên gọi ChAdOx1 để loại bỏ các lo ngại xung quanh virus Ad5. Vắc-xin Covid-19 của hãng Johnson & Johnson sử dụng virus Ad26 để làm vật trung gian.

Tiến sĩ Zhou Xing ở Đại học McMaster (Canada), từng hợp tác với CanSino Biologics để phát triển vaccine ngừa bệnh lao dựa trên virus Ad5 vào năm 2011. Đội ngũ nghiên cứu của ông đang phát triển một loại vaccine Covid-19 dạng xịt mũi dựa vào virus Ad5. Zhou Xing nhận định vaccine AZD1222 của AstraZeneca và Đại học Oxford có lợi thế hơn so với vaccine Ad5-nCoV dạng tiêm của CanSino Biologics.

Ông cũng lo ngại rằng liều cao vaccine Covid-19 dựa vào virus Ad5 của CanSino Biologics có thể gây phản ứng sốt sau khi tiêm, làm dấy lên các nghi ngờ về tính hiệu quả. Tiến sĩ Hildegund Ertl, Giám đốc Trung tâm vaccine Wistar ở TP. Philadelphia (Mỹ), nói: “Tôi nghĩ rằng vaccine Ad5-nCoV của CanSino Biologics sẽ tạo phản ứng miễn dịch tốt ở những người chưa có các kháng thể trung hòa virus Ad5 nhưng thực tế, rất nhiều người đã có chúng”.

Theo các chuyên gia, tại Trung Quốc và Mỹ, khoảng 40% dân số có hàm lượng cao kháng thể trung hòa virus Ad5 do đã nhiễm virus này trước đó. Tại châu Phi, tỷ lệ này có thể lên đến 80%.

Một số nhà khoa học lo ngại vaccine dựa vào virus Ad5 có thể làm gia tăng xác suất bị lây nhiễm virus HIV, gây bệnh AIDS. Kết quả của một cuộc thử nghiệm vaccine HIV dựa vào virus Ad5 do hãng dược Merck phát triển, vào năm 2004 cho thấy sau khi được tiêm vaccine, những người đã có kháng thể trung hòa virus Ad5 từ trước trở nên dễ nhiễm virus HIV, thay vì phòng ngừa nó. Chính vì thế Merck đã dừng cuộc các cuộc thử nghiệm vaccine này.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố vào năm 2015, các nhà nghiên cứu, bao gồm Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cảnh báo cần phải giám sát tỷ lệ nhiễm virus HIV trong và sau các cuộc thử nghiệm vaccine HIV dựa vào virus Ad5 ở những nhóm dân số có rủi ro cao.

Tiến sĩ Larry Corey, đồng giám đốc của Mạng lưới vaccine phòng ngừa virus corona Mỹ, trưởng nhóm nghiên cứu trong cuộc thử nghiệm vaccine HIV của Merck, nói: “Tôi lo ngại việc sử dụng những vaccine dựa trên virus Ad5 ở bất cứ nước nào và bất cứ nhóm dân số nào có rủi ro lây nhiễm HIV cao và nước tôi (Mỹ) là một trong những số đó”.

Một liệu trình vaccine Sputnik V của Viện Gamaleya sẽ bao gồm hai mũi tiêm cho mỗi người: Liều thứ nhất dựa vào vật trung gian virus Ad26 và liều thứ hai dựa vào vật trung gian virus Ad5. Giám đốc Viện Gamaleya, Alexander Gintsburg, cho biết cách tiếp cận dựa vào hai vật trung gian này giải quyết được các lo ngại về việc người được tiêm đã có kháng thể trung hòa một trong hai virus nói trên.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia bày hoài nghi về hiệu quả của vaccine Sputnik V sau khi chính phủ Nga tuyên bố sẽ tiêm nó cho những nhóm có nguy cơ cao vào tháng 10 dù chưa có được dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm với quy mô lớn.
“Chứng minh tính an toàn và hiệu quả của một vaccine là rất quan trọng”, Tiến sĩ Dan Barouch, nhà nghiên cứu vaccine ở Đại học Harvard, người hỗ trợ thiết kế vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson, nói. Ông lưu ý, các cuộc thử nghiệm với quy mô lớn thường không mang lại kết quả như mong đợi.

Hôm 29-8, Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Canada (NRC) thông báo chấm dứt thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều triệu đô la Mỹ với CanSino Biologics vì cho rằng công ty này trì hoãn việc chuyển sang cho Canada lô vaccine Ad5-nCoV đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/307730/dau-la-han-che-cua-vaccine-covid-19-tu-nga-va-trung-quoc.html