Đâu là nền tảng cho khởi nghiệp, sáng tạo?

Nhiều chuyên gia về khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo nhận định, để thành công, những kiến thức về kinh doanh, tư duy tài chính, kêu gọi vốn đầu tư, khả năng thích ứng, các kỹ năng mềm… cần trang bị từ gốc và hình thành ngay từ bậc phổ thông.

HS tham gia cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng U-Invent đang thuyết trình về dự án, trong đó có cả phần huy động vốn và lợi nhuận của dự án.

HS tham gia cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng U-Invent đang thuyết trình về dự án, trong đó có cả phần huy động vốn và lợi nhuận của dự án.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp

Mới đây, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng U-Invent mùa thứ 3 với sự tham gia của 54 HS đến từ các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng (14 đề tài). TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh cho biết: "Tham gia U-Invent, các em được trình bày các sáng kiến công nghệ và ý tưởng thiết kế của mình. Qua bài trình bày, đánh giá của ban giám khảo, thí sinh nhận ra tiềm lực của bản thân trong việc phát triển giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoàn chỉnh cho những vấn đề thực tiễn; biết khả năng làm việc nhóm, tự do sáng tạo, chia sẻ và hiện thực hóa các ý tưởng thông qua quy trình trải nghiệm để tạo ra các sản phẩm hữu ích cho xã hội và cộng đồng".

Bên cạnh việc được các chuyên gia công nghệ hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng cần thiết, cách triển khai ý tưởng trên các bản mạch điện tử, HS tham gia U-Invent còn được các doanh nhân thành đạt trong giới khởi nghiệp hướng dẫn kỹ năng thuyết trình, hoàn chỉnh dự án, kêu gọi vốn đầu tư, khơi gợi khả năng thương mại hóa ý tưởng để nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn. Theo đại diện của Quỹ Cá chuồn - Flying Fist Investment (FFI), cùng với việc đưa STEM vào trường phổ thông, giảng dạy về tư duy tài chính (STEM - B, STEM – khởi nghiệp) và một số kỹ năng mềm khác sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho những thế hệ startup với đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Từ lợi ích của việc cung cấp kiến thức tài chính, kỹ năng mềm, Đoàn trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã mở một khóa đào tạo khởi nghiệp cho HS các trường THPT của huyện Hòa Vang. Các em sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về kinh doanh, cách thu hút vốn, chào bán sản phẩm, ý tưởng… Giảng viên trẻ Lê Đình Quang Phúc lý giải: HS theo ngành kỹ thuật thường có ý tưởng về giải pháp công nghệ. Nếu được trang bị kiến thức về kinh doanh, quản lý tài chính…, có tinh thần doanh nhân, các em có thể tính tới chuyện "bán" được sản phẩm.

Ông Gary Conroy - người sáng lập The Startup Studio, công ty chuyên về đào tạo khởi nghiệp ở Mỹ trong buổi trò chuyện với bạn trẻ tại Đà Nẵng cho rằng: Khởi nghiệp là một kỹ năng sống cần nhiều năm để phát triển. Khởi nghiệp bắt đầu từ việc hiểu biết về bản thân và tin tưởng rằng bạn có thể tự chủ về mặt kinh tế. Nó bắt nguồn bằng câu chuyện, học hỏi từ thất bại và hiểu được đam mê thực sự. Do đó, nền tảng của giáo dục khởi nghiệp phải dựa trên định hướng lâu dài và học hỏi từ những kinh nghiệm. Các kiến thức khởi nghiệp, nếu được đào tạo từ sớm, sẽ tác động tích cực tới tư duy, hướng tiếp cận, cách thức triển khai khởi nghiệp cho thế hệ tương lai.

Những công trình khởi nghiệp của HSSV giúp ích cho xã hội chống dịch.

Những công trình khởi nghiệp của HSSV giúp ích cho xã hội chống dịch.

Rèn tính cẩn thận

Chị Thu Hà (phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: Hôm họp phụ huynh cho con học lớp Một, cô giáo chủ nhiệm nhắn nhủ cha mẹ cần quản lý tiền bạc và tốt nhất là dạy cho con sớm biết giá trị của đồng tiền. Theo cô giáo, có vài em cầm 500.000 đồng lên lớp rồi cho bạn, cũng có em mang tiền có mệnh giá lớn đi mua quà. Tờ 200.000 đồng dùng để mua một cây xúc xích, được người bán hàng trả lại 5.000 đồng mà mừng hớn hở vì vừa có xúc xích để ăn vừa có tiền mang về. Cô giáo phải khéo "điều tra" xem các em lấy tiền ở đâu.

"Nghe xong, nhiều phụ huynh giật mình bởi lâu nay vẫn quan niệm con quá nhỏ, để cho con tiếp xúc và sử dụng tiền sớm quá cũng không tốt. Nhưng rõ ràng, con không biết gì về tiền mà đang tuổi tò mò còn nguy hiểm hơn", chị Thu Hà bày tỏ.

Từ thực tế này, Trường Mầm non Bình Minh (Hải Châu, Đà Nẵng) đã tổ chức cho HS lớp Lớn và Nhỡ đi chợ, siêu thị. Ngoài rèn kỹ năng phát triển ngôn ngữ cùng những bài học lồng ghép khác, trẻ học được cách quản lý tiền, biết muốn mua một món hàng thì phải trả tiền và mỗi món hàng có một giá tiền khác nhau.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh kể: Mỗi bé được phụ huynh cho 15.000 - 20.000 đồng. Có bé mua hàng lại không muốn trả tiền cho người bán. Các bé còn so sánh xem bạn nào mua được nhiều món đồ hơn. So với việc dạy học trên lớp, buổi trải nghiệm như vậy khiến các cô vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, cái lợi thu được là động lực để cô trò cùng cố gắng. Với mỗi trò, giáo viên có cách giải thích khác nhau, từ nhắc nhở để rèn tính cẩn thận, cân nhắc khi lựa chọn đồ…

"Những kiến thức sơ đẳng về giá trị đồng tiền, cách quản lý tiền được nhà trường lồng ghép qua những hoạt động trải nghiệm như thế hy vọng là hành trang để trò phát huy tính tự chủ, tự tin ở cấp học cao hơn", cô Nguyễn Quốc Thư Trâm tâm sự.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dau-la-nen-tang-cho-khoi-nghiep-sang-tao-1596433568842.html