Đâu là vụ nổ mạnh nhất trong lịch sử Trái Đất?
Nhiều người cho rằng vụ nổ xóa xổ khủng long là mạnh nhất trong lịch sử Trái Đất. Thế nhưng đáp án lại gây bất ngờ.
Theo các nhà khoa học, đáp án cho câu hỏi đâu là vụ nổ lớn nhất trên Trái Đất sẽ khác nhau, và điều này tùy theo cách đánh giá, từ vụ nổ nhân tạo cho đến vụ nổ bắt nguồn từ ngoài hành tinh.
Chẳng hạn, nếu không tính vụ nổ do con người tạo ra, vụ nổ lớn nhất trên Trái Đất thuộc về sự kiện siêu núi lửa Toba (Indonesia) phun trào, làm thay đổi khí hậu hơn 70.000 năm trước. Trong khi đó, đối với vụ nổ lớn nhất từ ngoài hành tinh và để lại bằng chứng rõ ràng chính là một tiểu hành tinh đâm xuống Trái Đất cách đây 2 tỷ năm, tạo ra miệng hố Vredefort. Tiểu hành tinh này thậm chí còn lớn hơn nhiều so với tiểu hành tinh đã quét sạch loài khủng long.
Bên cạnh đó, theo giả thuyết, một vụ va chạm giữa Trái Đất với thiên thể có kích thước lớn tương đương với một hành tinh cách đây 4,5 tỷ năm có khả năng đã tạo ra Mặt Trăng, đồng thời giải phóng đủ năng lượng để vượt qua bất cứ sự kiện gì khác ở trên Trái Đất.
Vụ nổ nào lớn nhất bắt nguồn từ Trái Đất?
Theo Đài quan sát Trái Đất của NASA, vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử xảy ra ở Indonesia vào năm 1815, khi đỉnh núi Tambora cao 4.000 m phát nổ. Nhà núi lửa học Shanaka de Silva ở ĐH Bang Oregon (Mỹ), cho biết, bằng phép đo nhiệt năng cho thấy rằng, Tambora đã phát nổ với sức mạnh tương đương với 800 triệu TNT.
Theo Hiệp hội Địa chất London, âm thanh của vụ nổ này vang tới tận Sumatra, cách đó 2.600 km. Trong khi đó, theo NASA, vật chất mà núi lửa Tambora phun vào khí quyển đã chặn nhiều ánh sáng Mặt Trời tới mức đủ để làm mát toàn cầu, tạo ra năm không có mùa hè – năm 1816.
Cụ thể, theo Hiệp hội Đại học Nghiên cứu Khí quyển, vào mùa hè năm đó, có tuyết rơi ở New England và những cơn mưa lạnh giá ảm đạm rơi xuống khắp châu Âu.
Nhà núi lửa học Shanaka de Silva cho rằng, vụ phun trào này có thể là nguyên nhân khiến mùa đông và mùa hè ở châu Âu lạnh hơn trong vài năm và nạn đói lại diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Thế nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về các vụ phun trào dữ dội hơn Tambora vào thời tiền sử, lúc bấy giờ chưa có thiết bị đo đạc. Trong số này, vụ phun trào Toba là mạnh nhất. Vụ phun trào xảy ra cách đây 74.000 năm, ở Indonesia. Nhà núi lửa học Shanaka de Silva cho biết, vụ phun trào Toba mạnh tương đương với hàng trăm đến hàng triệu tỷ tấn TNT. Vụ nổ có thể khiến cho toàn cầu bị lạnh đi đáng kể, và gây ảnh hưởng tới mùa sinh trưởng của thực vật, mùa trồng trọt.
Nhà nghiên cứu này cũng lưu ý rằng, các vụ phun trào núi lửa trên chỉ là đại diện cho những sự kiện có để lại bằng chứng xác thực. Bởi những vụ phun trào tương tự, hoặc thậm chí lớn hơn, có thể đã xảy ra, nhất là trong thời sơ khai của Trái Đất.
Vụ nổ lớn nhất có nguồn gốc từ ngoài không gian
Theo các chuyên gia, vụ nổ lớn nhất bắt nguồn từ ngoài không gian từng được ghi nhận xảy ra ở Siberia vào năm 1908. Đó là sự kiện Tunguska. Cụ thể, một thiên thạch đã phát nổ ở trong không khí và giải phóng năng lượng từ 10 – 30 triệu tấn TNT. Theo Viện Khoa học Hành tinh, vụ nổ đã san phẳng hơn 80 triệu cây và thậm chí khiến những người ở cách xa tới 500 km vẫn còn nghe thấy tiếng nổ inh tai.
Thế nhưng đây chưa phải là thảm họa lớn nhất. Bởi các chuyên gia tìm thấy bằng chứng về các sự kiện tàn khốc hơn nhiều ở trong thời tiền sử. Trong đó có cả hố va chạm lớn nhất thế giới Vredefort tại Nam Phi.
Trên thực tế, chỉ có phần trung tâm rộng 159 km của miệng hố va chạm này còn tồn tại. Trong khi đó, theo nhà khoa học hành tinh Miki Nakajima tại Đại học Rochester, các ước tính lại cho thấy chiếc hố ban đầu có đường kính khoảng 250 km.
Điều này làm cho Vredefort trở thành vụ va chạm lớn nhất từng để lại bằng chứng rõ ràng nhất trên Trái Đất.
Đặc biệt, trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2022, nhà khoa học Miki Nakajima và các cộng sự ước tính rằng, tiểu hành tinh tạo ra vụ va chạm này đã giải phóng sức mạnh tương đương với 660 nghìn tỷ TNT, tức là bằng 44 tỷ quả bom ném xuống Hiroshima.
Sau cú va chạm lớn này, Trái Đất phải hứng chịu các trận đại hồng thủy, có thể bao gồm một trận sóng thần khổng lồ, sự nguội lạnh trên toàn cầu trong thời gian ngắn khi bụi và aerosol phủ đầy bầu khí quyển, đồng thời gây ra sự ấm lên toàn cầu trong dài hạn vì khí CO2 và nước phun ra gây hiệu ứng nhà kính. Các chuyên gia lưu ý rằng, những tác động khí hậu này còn có thể khiến các vi khuẩn quang hợp bị tuyệt chủng hàng loạt.
Bên cạnh đó, Mặt Trăng cũng có thể là bằng chứng về sự giải phóng năng lượng nổ lớn nhất trong lịch sử Trái Đất. Theo giả thuyết hàng đầu về quá trình hình thành của Mặt Trăng, một thiên thể lớn cỡ sao Hỏa đã đâm vào Trái Đất và làm bắn ra vật chất vào quỹ đạo. Nhà khoa học Miki Nakajima cho biết, một vụ va chạm như vậy có sức mạnh tương đương với khoảng 5,1 nghìn tỷ tỷ tấn TNT, hoặc 340 triệu tỷ quả bom ném xuống Hiroshima.
Sự kiện này thậm chí còn có thể làm tan chảy đi toàn bộ lớp phủ của hành tinh xanh, đồng thời không để lại dấu hiệu địa chất nào về các tác động của sự kiện hay các vụ va chạm trước đó. Do đó, mặc dù các nhà khoa học không thể loại trừ khả năng trước đó đã xảy ra các vụ va chạm lớn hơn, nhưng các tín hiệu địa hóa cho thấy, từ đó tới nay, không có vụ nổ nào khác đạt được tới sức mạnh như trên.
Nếu "sát thủ hành tinh" lao xuống Trái Đất, chuyện gì xảy ra?
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Astronomical Journal vào cuối tháng 9/2022, một tiểu hành tinh khổng lồ có tên là 2022 AP7 thỉnh thoảng bay cắt qua quỹ đạo của Trái Đất ở quanh Mặt Trời. Điều này gây ra nguy cơ xảy ra va chạm với Trái Đất trong tương lai xa.
Tiểu hành tinh 2022 AP7 rất lớn với đường kính ước tính từ 1 – 2,3 km. Ông Scott Sheppard, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Trái Đất và Hành tinh thuộc Viện Khoa học Carnegie, chia sẻ: "Bất cứ tiểu hành tinh nào có kích thước rộng hơn 1 km thì đều được coi là sát thủ hành tinh".
Theo các chuyên gia, hiện tại, 2022 AP7 không có gì đáng lo ngại, bởi nó chỉ qua quỹ đạo của Trái Đất khi nó ở phía bên kia của Mặt Trời và phải mất tới 5 năm để thực hiện một quỹ đạo hoàn chỉnh. Thế nhưng tiểu hành tinh này có thể trở nên nguy hiểm hơn ở trong nhiều thế kỷ nữa khi nó băng qua quỹ đạo Trái Đất.
Ông Brad Gibson, Giám đốc Trung tâm Vật lý Thiên văn EA Milne tại Đại học Hull (Anh), cho biết: "2022 AP7 là một trong những thiên thể đáng sợ rộng hơn 1 km, nhưng nó sẽ không hủy diệt hành tinh. Chúng ta có thể nhìn lại 65 triệu năm trước và tác động mà tiểu hành tinh hay sao chổi Chicxulub đã gây ra trên Trái Đất.
Tiểu hành tinh này rộng khoảng 16 km và đã xóa xổ khủng long cùng 80% loài vật ở trên Trái Đất vào thời điểm đó. Dù sức tàn phá của nó thực sự khủng khiếp nhưng cũng không đủ để hủy diệt Trái Đất hoặc 100% sự sống của hành tinh xanh".
"Thật thú vị khi suy đoán xem thứ gì có thể xóa sổ hoàn toàn sự sống và khiến Trái Đất trở nên khắc nghiệt trong hàng triệu năm. Đối với khối lượng riêng và vận tốc va chạm điển hình, dự đoán tốt nhất ngay lúc này là một vật thể gì đó có đường kính từ 80 – 160 km sẽ làm được điều đó", ông Gibson cho biết thêm.
Bài viết tham khảo nguồn: Livescience, Newsweek
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dau-la-vu-no-manh-nhat-trong-lich-su-trai-dat-20221108165840965.htm