Dấu lặng buồn nơi giảng đường
ĐBP - Thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã đề cập nhiều đến tình trạng mua bán bằng giả, chứng chỉ giả trên phạm vi cả nước cũng như hậu quả từ các hành vi này gây ra. Mặc dù đã được cảnh báo, thế nhưng thay vì học thực chất, thi thực chất, tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Mường Ảng (huyện Mường Ảng) một số giáo viên lại đi mua chứng chỉ ngoại ngữ để sử dụng. Không lâu sau đó, sự việc đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, mức độ xử lý đã thực sự hợp lý hay chưa đang là băn khoăn của dư luận.
Trường THPT Mường Ảng - nơi xảy ra sự việc 13 giáo viên mua chứng chỉ ngoại ngữ bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Qua nắm bắt thông tin dư luận về việc một số giáo viên Trường THPT Mường Ảng mua chứng chỉ giả; để rộng đường dư luận, phóng viên đã đến trường tìm hiểu cụ thể sự việc. Theo xác nhận của đại diện lãnh đạo Trường THPT Mường Ảng thì đúng là có xảy ra sự việc như trên. Theo đó, trong tổng số 44 giáo viên toàn trường thì có 13 giáo viên (chiếm gần 30%) thực hiện hành vi mua chứng chỉ ngoại ngữ. Ông Trần Trường Sơn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Ảng cho biết: Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng và khai báo của các cá nhân có hành vi mua chứng chỉ, thì sự việc diễn ra từ năm 2015. Ðến cuối năm 2016, sau khi cơ quan chức năng triệt phá đường dây mua bán chứng chỉ thì trong danh sách những người mua có 13 giáo viên thuộc Trường THPT Mường Ảng. Qua khai thác, đấu tranh của cơ quan chức năng, 13 cá nhân này đã nhận hành vi vi phạm của mình.
Trả lời cho câu hỏi: Những cán bộ, giáo viên trên mua chứng chỉ ngoại ngữ để làm gì? Ông Trần Trường Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Hành vi mua chứng chỉ ngoại ngữ của một số giáo viên nhà trường nhằm chuẩn hóa giáo viên theo lộ trình và để đủ điều kiện thăng hạng giáo viên ở thời điểm đấy. Ðây thực sự là điều đáng lo ngại đối với cán bộ, giáo viên nhà trường. “Do nhận thức còn hạn chế nên những hành vi của 13 cán bộ, giáo viên trong việc mua chứng chỉ đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như danh dự của cá nhân mỗi người. Chúng tôi xem đây là bài học lớn đối với những cán bộ giáo viên khác trong trường” - ông Trần Trường Sơn bộc bạch.
Ðược biết, trong số 13 trường hợp có hành vi mua chứng chỉ ngoại ngữ đang giảng dạy tại Trường THPT Mường Ảng, thì cơ bản là cán bộ giáo viên đang nắm giữ các vị trí chủ chốt thuộc các tổ chức đoàn thể của nhà trường như: Công đoàn, Ðoàn thanh niên, tổ trưởng các bộ môn… Ðặc biệt, trong số 13 giáo viên vi phạm có 8 trường hợp là đảng viên (hiện Chi bộ nhà trường có 36 đảng viên), trong đó có 2 đảng viên giữ vị trí trong cấp ủy chi bộ là cô Ðặng Thị Thu Hương, Phó Bí thư Chi bộ nhà trường và cô Ðào Thị Ngọt, Chi ủy viên. 6 cán bộ, giáo viên là đảng viên còn lại tham gia mua chứng chỉ ngoại ngữ gồm: Cô Ðặng Thị Khuyên; cô Phạm Thị Hải; thầy Hoàng Thế Minh; cô Vũ Thị Dịu; cô Hoàng Thị Thúy Mai; thầy Ðinh Mạnh Hùng; cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Vi phạm của các cá nhân trên xét theo Ðiều lệ Ðảng đã vi phạm những điều đảng viên không được làm. Theo đó, căn cứ vào hành vi vi phạm của cán bộ đảng viên, tháng 6/2019 vừa qua, Chi bộ Trường THPT Mường Ảng đã họp và thống nhất quyết định thi hành kỷ luật đối với 8 trường hợp là đảng viên trên với hình thức khiển trách. Ông Trần Trường Sơn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Căn cứ vào mức độ vi phạm, đồng thời các đảng viên đã trung thực, báo cáo đầy đủ hành vi của mình nên Chi bộ quyết định xử lý theo hình thức khiển trách với tất cả các đảng viên có hành vi mua chứng chỉ”.
Trước các hình thức thi hành kỷ luật, nhiều ý kiến dư luận băn khoăn: Liệu mức thi hành kỷ luật trong Ðảng đã phù hợp với hành vi vi phạm của các cá nhân hay chưa? nhất là đối với 2 cán bộ giữ chức vụ trong Ðảng là cô Ðặng Thị Thu Hương, Phó Bí thư Chi bộ nhà trường và Ðào Thị Ngọt, Chi ủy viên? Ông Trần Trường Sơn cho rằng: Khiển trách là mức thi hành kỷ luật thấp nhất trong Ðảng. Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, đặc biệt là để các đảng viên có cơ hội sửa sai và cống hiến nên chúng tôi quyết định thi hành kỷ luật ở mức độ khiển trách. Quyết định này cũng đã được các đảng viên Chi bộ đồng tình nhất trí cao.
Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Soi từ Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư để rồi nhận định xem mức độ xử lý vi phạm đã thực sự hợp tình hợp lý hay chưa thì chúng tôi xin không bàn đến nữa. Song có một điều mà chúng tôi cho rằng đáng tiếc, đáng buồn hơn nhiều, đó là hành động sai trái của một nhóm người vì mục đích cá nhân, vì quyền lợi cá nhân nhưng đã để lại ấn tượng không tốt trong lòng học sinh, nhân dân và đồng nghiệp; ảnh hưởng đến uy tín nghề giáo; làm xấu đi hình ảnh đẹp của “Người giáo viên nhân dân”, “Những kỹ sư tâm hồn” của nghề cao quý...