Đau lòng câu chuyện các nhà sư giữa động đất Myanmar

Động đất Myanmar gây thiệt hại lớn cho các công trình Phật giáo và làm thiệt mạng rất nhiều nhà sư vốn là 'nền tảng tinh thần' tại nước này.

Trận động đất ở Myanmar vào cuối tháng 3 đã làm hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó có rất nhiều nhà sư.

Đầu tháng 4, trong một buổi lễ tang, thi thể nhà sư Ashin Pyinnyar Tharmi được quấn bên trong một tấm vải màu nâu. Nhiều người tập trung xung quanh thi thể để bày tỏ lòng thành kính với người đã khuất.

Xung quanh đó, các nhà sư tụng kinh và cầu nguyện. Trong buổi lễ, nhà sư Ashin Javanar Linkhara thì thầm: “Tất cả đều là vô thường”.

Khi trận động đất xảy ra, nhà sư Ashin Javanar Linkhara đang ở cùng tu viện với nhà sư Ashin Pyinnyar Tharmi. Nhà sư Ashin Javanar Linkhara ở trên tầng 3 của tu viện và sống sót sau trận động đất. Nhưng khi ấy, nhà sư Ashin Pyinnyar Tharmi ở tầng trệt và không chạy kịp.

“Phật giáo dạy chúng tôi không nên hỏi tại sao điều đó xảy ra, mà dạy chúng tôi tìm cách để chúng ta đối mặt với nó với sự bình tĩnh, với sự quan tâm và với lòng trắc ẩn đối với những người đang đau khổ” – nhà sư Ashin Javanar Linkhara nói.

Trong buổi lễ, nhà sư Ashin Javanar Linkhara ôm chặt một chiếc chăn bông bụi bặm, mỏng và hơi rách từng thuộc về nhà sư Ashin Pyinnyar Tharmi. Tấm chăn được tìm thấy gần thi thể của nhà sư Ashin Pyinnyar Tharmi trong đống đổ nát.

 Một nhà sư tại tu viện Masoeyein Cũ tại Mandalay (Myanmar) sau động đất. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một nhà sư tại tu viện Masoeyein Cũ tại Mandalay (Myanmar) sau động đất. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Nền tảng tinh thần

Động đất Myanmar đã khiến hơn 3.600 người thiệt mạng và giáng một đòn mạnh vào nền tảng tinh thần của nhiều người dân Myanmar, đó là các công trình Phật giáo và các nhà sư. Hàng ngàn tượng, tòa nhà tôn giáo đã bị phá hủy, nhiều nhà sư đã thiệt mạng. Theo tờ The New York Times, đến nay, nhà chức trách vẫn chưa có con số chính thức về số nhà sư thiệt mạng do động đất.

Phật giáo là tôn giáo chính ở Myanmar và khoảng 90% dân số Myanmar theo đạo Phật. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình bản sắc và quy tắc đạo đức của xã hội Myanmar. Các nhà sư ở Myanmar được người dân kính trọng và được xem là nguồn an ủi tinh thần to lớn cho những tín đồ khi họ gặp những khó khăn trong cuộc sống.

Nhà sư cũng có vai trò to lớn ở Mandalay – TP lớn thứ hai của Myanmar và là trung tâm Phật học ở nước này. Thống kê cho thấy có khoảng 50.000 nhà sư đang sống ở TP này trước trận động đất.

Khi trận động đất xảy ra, nhiều nhà sư từ các tu viện ở Mandalay đang tham gia kỳ thi tại một hội trường U Hla Thein trong TP.

Nhiều tu viện Phật giáo ở Myanmar không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi trú ẩn cho người vô gia cư, là trường học và là nơi để cộng đồng tụ họp. Hiện tại, hàng trăm tu viện tại đây trong tình trạng đổ nát. Trong số này có hai tu viện có ảnh hưởng ở Mandalay: tu viện Masoeyein Cũ và tu viện Masoeyein Mới.

Ông Win Zaw – một cư dân Mandalay thường xuyên đến thăm tu viện Masoeyein Cũ – cho biết ông và nhiều người dân ở Myanmar coi sự sụp đổ của các tu viện và chùa là "một điềm xấu".

Nhiều nhà sư đã đối mặt những cảnh tượng đau lòng sau động đất.

Nhà sư Ashin Nanda Sariya cho biết đang ở trong tu viện khi trận động đất xảy ra. Khi tòa nhà sụp đổ, bàn tay của bạn cùng phòng của nhà sư đã bị kẹt dưới một khối bê tông rơi xuống.

Một tình nguyện viên cứu hộ cho biết nếu bàn tay không được cắt cụt, bạn của nhà sư Ashin Nanda Sariya sẽ phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng. Trong tình thế đó, người bạn của nhà sư đã xin một con dao để tự cắt tay mình. Tuy nhiên, người này đã qua đời trước khi có thể thoát khỏi khối bê tông.

 Thi thể một nhà sư thiệt mạng do trận động đất được hỏa thiêu tại đài hỏa táng ở Mandalay. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Thi thể một nhà sư thiệt mạng do trận động đất được hỏa thiêu tại đài hỏa táng ở Mandalay. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

"Tôi vẫn cảm thấy thực sự đau lòng khi anh ấy phải chết như vậy chỉ vì không có nhân viên cứu hộ được đào tạo hoặc thiết bị phù hợp" – nhà sư Ashin Nanda Sariya nói.

“Có sinh ắt có diệt”

Sau trận động đất, người dân Myanmar vẫn đang cố gắng xác định hướng đi của họ trong tương lai. Trong 5 năm qua, họ đã phải đối mặt đại dịch COVID-19, sự thay đổi lớn trong hệ thống chính trị, cũng như các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt.

Để khắc phục hậu quả động đất, họ đã bắt đầu hành động. Người dân đi đến những vùng bị ảnh hưởng để phân phát hàng hóa cho những người cần. Những tình nguyện viên cứu hộ dùng tay đào bới đống đổ nát để tìm cứu những người sống sót. Những người bán hàng đã phát kem que và longyi – loại trang phục quấn quanh người thường được người dân sử dụng – cho các tình nguyện viên để cảm ơn họ.

Nhà sư U Eaindra Sakka Viwuntha là trụ trì của tu viện Masoeyein Cũ. Nhà sư cho biết mẹ và chị gái của ông đã chết trong trận động đất và bị chôn vùi dưới một tòa nhà.

“Chúng tôi không đổ lỗi cho mặt đất hay bầu trời. Trong Phật giáo, chúng tôi hiểu rằng mọi thứ có sinh ắt có diệt, ngay cả đền chùa, thậm chí cả mạng sống” – nhà sư U Eaindra Sakka Viwuntha nói.

Đó cũng là thông điệp được những nhà sư khác chia sẻ sau trận động đất. Hòa thượng U Zawtika cho rằng sự rung chuyển của mặt đất là lời nhắc nhở rằng mọi thứ đều vô thường, không chỉ cuộc sống của con người mà ngay cả mặt đất dưới chân họ.

“Trận động đất không phải được gửi đến để hủy diệt chúng ta, nó chỉ đơn giản là sự dịch chuyển của Trái đất, như nó đã từng xảy ra trong nhiều năm qua. Khi thảm kịch xảy ra, chúng ta đau buồn. Chúng ta không phủ nhận nỗi đau của mình. Nhưng chúng ta cũng tụng kinh, chúng ta thiền định, chúng ta nhớ đến lời dạy của Đức Phật. Bằng cách này, chúng ta không còn bị dính chặt vào nỗi đau. Chúng ta thực hành lòng từ bi đối với những người đã mất, những người đau khổ và thậm chí đối với chính chúng ta” – Hòa thượng U Zawtika nói.

Như lời Hòa thượng U Zawtika nói, nhiều người ở TP dù rất đau lòng nhưng vẫn tìm cách cố gắng vượt qua khó khăn, bắt đầu khắc phục hậu quả trận động đất.

Chiều ngày 5-4, tại Mandalay, sau khi lễ tang của nhà sư Ashin Pyinnyar Tharmi kết thúc, thi thể của một nhà sư khác được đưa đến nơi tổ chức lễ tang. Chiếc áo màu nâu của nhà sư phủ đầy bụi. Thi thể trên đã được tìm thấy vào chiều 4-4, bị đè chặt dưới đống đổ nát bên trong hội trường nơi các nhà sư đang làm bài kiểm tra.

 Hội trường U Hla Thein – nơi nhiều nhà sư ở Mandalay làm bài kiểm tra trong ngày xảy ra động đất. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hội trường U Hla Thein – nơi nhiều nhà sư ở Mandalay làm bài kiểm tra trong ngày xảy ra động đất. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một nhà sư trẻ nhẹ nhàng đổ nước lên tay phải của thi thể bằng một chiếc bát nhỏ, tượng trưng cho sự giải thoát khỏi những ràng buộc trần tục.

Sau đó, thi thể được đưa vào một túi đựng xác màu đen, kéo khóa và được đưa đến lò hỏa táng của TP. Thi thể được đặt trên một tấm gỗ trên một bệ ở một mảnh đất trống.

Một nhà sư rắc một loại bột thơm làm từ gỗ đàn hương lên thi thể. Sau đó, một tình nguyện viên thắp lửa cho đài hỏa táng, và những mảnh tàn tro bắt đầu bay lơ lửng trong trời chiều.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dau-long-cau-chuyen-cac-nha-su-giua-dong-dat-myanmar-post844095.html