Đau lòng những vụ án do người tâm thần gây ra
Người tâm thần được điều trị tại gia, nhưng gần đây tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít vụ trọng án do người tâm thần sống trong cộng đồng gây ra. Phát hiện, ngăn ngừa đối tượng này gây án là một vấn đề không đơn giản, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó yếu tố then chốt nhất vẫn là gia đình.
Xót xa những cái chết tức tưởi
Tối 12/5/2022, sau gần một ngày tích cực truy bắt, lực lượng chức năng của Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an huyện Hương Sơn đã phát hiện, bắt giữ được đối tượng Nguyễn Ngọc Nhung (SN 1968), trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn. Nhung được xác định là hung thủ dùng dao sát hại anh Nguyễn Đình S. (SN 1985), trú xã Thanh Long, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khi đang ở nhà mẹ ruột tại thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm vào sáng 12/5.
Trước đó, vào khoảng 8 giờ sáng 12/5, một số người dân tại thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm đi ngang qua nhà bà Nguyễn Thị P. ở sát quốc lộ 8C, phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường. Khi vào bên trong, mọi người hốt hoảng khi phát hiện anh Nguyễn Đình S. nằm chết trên giường với nhiều vết máu vương vãi dưới sàn nhà, cạnh đó có 2 con dao nhọn. Sự việc ngay lập tức được trình báo cơ quan chức năng. Công an tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc và xác định, thời điểm xảy ra vụ việc, bà P. đang đi làm ở huyện Đức Thọ, không có mặt ở nhà. Anh S. sinh sống ở tỉnh Nghệ An, thi thoảng mới về đây thăm mẹ nên hầu như không có mâu thuẫn, xích mích với bất kỳ ai.
Tích cực vào cuộc điều tra, đến chiều tối cùng ngày, cơ quan Công an đã có đủ cơ sở, bằng chứng để xác định, hung thủ ra tay sát hại anh S. là Nguyễn Ngọc Nhung nên đã tiến hành bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Điều đáng nói, Nhung là đối tượng bị bệnh tâm thần, không biết chữ, được điều trị tại gia nhưng lại thường xuyên đi lang thang trên địa bàn. Vụ việc hiện vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án của đối tượng.
Cũng trên địa bàn huyện Hương Sơn, dư luận còn chưa hết bàng hoàng khi trước đó, vào ngày 26/3/2022, tại xã Sơn Long cũng xảy ra vụ án mạng kinh hoàng. Vào thời điểm nói trên, người dân ở thôn 4, xã Sơn Long phát hiện bà Lê Thị H. (SN 1958) tử vong tại nhà riêng với nhiều vết chém trên cơ thể. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng xác định, hung thủ gây án chính là Phạm Thị Hiền (SN 1979), con gái ruột của nạn nhân.
Hiền bị bệnh tâm thần, lấy chồng về xã Sơn Trà và đã có 4 người con. Tuy nhiên, thời gian gần đây Hiền về sống với mẹ đẻ. Nguyên nhân của việc ra tay sát hại mẹ, đối tượng khai nhận do xin tiền để mua một chiếc vòng nhưng mẹ không cho nên đã xuống tay với đấng sinh thành. Một vụ án khác rúng động dư luận phố núi vào ngày 25/10/2021, khi đối tượng Hà Trọng Quyết (SN 1993), trú xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn dùng dao chém nhiều nhát khiến cháu Hà Trọng Đ. (SN 2013), học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Sơn Ninh tử vong.
Chỉ vì xích mích với bố của nạn nhân về những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, Quyết đã sinh lòng thù hằn, nảy sinh ý nghĩ và hành động dùng dao chém chết con trai của người này để trả thù. Được biết, đối tượng Quyết là người có biểu hiện tâm thần rối loạn, đã từng có thời gian chữa trị về các chứng bệnh tâm thần tại bệnh viện.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Thời gian gần đây, tình trạng tội phạm do đối tượng là người mắc bệnh tâm thần gây ra trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều hành vi nguy hiểm. Nạn nhân chủ yếu là người thân ruột thịt, họ hàng hay hàng xóm, hành động bột phát trong vô thức nhưng hậu quả hết sức nghiêm trọng. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 15 vụ trọng án giết người, cùng với đó là hàng trăm vụ án cố ý gây thương tích, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản do người bị rối loạn tâm thần hoặc biểu hiện loạn thần gây ra.
Kết quả rà soát bước đầu cũng cho thấy, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có khoảng hơn 500 người bị tâm thần. Trong đó, có khoảng gần 30 trường hợp bị bệnh tâm thần do rối loạn sử dụng ma túy đá, có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, đây là mầm móng dễ phát sinh tội phạm, có nguy cơ gây án cao. Hậu quả đau lòng và xót xa hơn cả là những vụ án mà người tâm thần gây ra mà bị hại chính người thân của mình. Trong những thời điểm bản thân họ bị rối loạn về tâm lý, không đủ khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của bản thân, đã xuống tay trong vô thức.
Hiện nay, không riêng gì tại tỉnh Hà Tĩnh mà tại nhiều địa phương khác trên cả nước vẫn còn lượng lớn người bị bệnh tâm thần đang được điều trị tại cộng đồng, tuy nhiên không phải ai cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc đúng mực. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế, mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 21, Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Tuy nhiên, không phải bất cứ vụ án nào do người có bệnh án tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Song, dù chịu trách nhiệm hay được miễn trách nhiệm thì hậu quả cũng đau đớn và dai dẳng cho người thân, xóm làng. Đó là chưa kể, một số người tâm thần gây án, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đưa đi chữa trị bắt buộc và xác định khỏi bệnh, được trở về sinh sống với gia đình. Đây thực sự là mối bất an lớn cho cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/dau-long-nhung-vu-an-do-nguoi-tam-than-gay-ra-i653710/