Đau lòng những vụ thảm án do kẻ u mê tín ngưỡng gây ra
Sau gần nửa năm tưởng chừng như bị hoãn chiếu thì tối ngày 17-09-2019, phía nhà sản xuất bộ phim 'Thiên Linh Cái' đưa ra thông báo: phim chính thức thông qua kiểm duyệt và công chiếu vào ngày 09-10-2019 với tên mới là 'Thất Sơn tâm linh'. Ngay từ những ngày đầu của dự án, bộ phim đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi nội dung phim được xây dựng từ câu chuyện có thật về kẻ sát nhân cuồng tín mà giết người. Đáng nói, bộ phim đề cập tới một vấn nạn đang diễn ra gây nhức nhối hiện nay là một số kẻ vì u mê tín ngưỡng mà sa vào con đường tội lỗi. Bi kịch từ niềm tin lạc hướng đó không chỉ dừng lại ở một vụ án 'Thiên Linh Cái' mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác với tính chất phức tạp.
Thuật “Thiên Linh Cái” và án mạng kinh hoàng
Ở cù lao xã Tân Bình, Tân Quới, Tam Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) có một ngôi mộ hoang nằm chìm nghỉm dưới vũng lầy toàn cỏ dại xen lẫn bèo tây. Đó là ngôi mộ của tử tù Phạm Văn Tuấn (1957) hay còn gọi là Hai Tưng, kẻ đã nhẫn tâm ra tay sát hại và xâm phạm thi thể của 3 người phụ nữ chỉ để luyện bùa phép “Thiên Linh Cái”. Dù đã gần 20 năm trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh do tội lỗi mà hắn gây ra vẫn hằn sâu trong ký ức của nhiều người dân sống nơi đây.
Không ai rõ về thân thế của Tuấn, chỉ biết hắn cùng với một chiếc ghe từ đâu trôi dạt đến dòng Rạch Mã Trường, khu vực ấp Hạ (xã Tân Bình) rồi tự nhận mình là thầy thuốc xin chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Vì tính tình hòa nhã, Tuấn nhanh chóng nhận được cảm mến, dần dà nhiều người lui tới nhà hắn hơn, nhất là chị em phụ nữ vì hắn nói có cách giúp họ “dụ” được người khác phái.
Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một chuỗi âm mưu "quỷ dị".
Cuối tháng 7-2000, Công an huyện Thanh Bình nhận được đơn trình báo mất tích của gia đình cô gái Trần Thị Phương (SN 1975). Bằng nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã khoanh vùng và xác định nghi phạm lớn nhất chính là Phạm Văn Tuấn.
Rạng sáng ngày đầu tháng 9-2000, lực lượng trinh sát đã bất ngờ kiểm tra nhà Tuấn. Sau một khoảng thời gian tìm kiếm, Công an huyện Thanh Bình đã phát hiện 3 sọ người, dưới nền nhà còn có 3 thi thể không đầu đang trong tình trạng phân hủy nặng cùng giấy tờ tùy thân của các cô gái mất tích trước đó. Tuấn nhanh chóng bị áp giải về trụ sở cơ quan công an, sau nhiều lần quanh co chối tội, cuối cùng hắn cũng phải cúi đầu khai báo .
Hắn vốn mang mộng luyện thành bùa phép “Thiên Linh Cái” để có thể sở hữu nhiều quyền năng hô mưa, gọi gió, tàng hình.... nên đã giết người lấy sọ, vì thuật “Thiên Linh Cái” chỉ hiệu nghiệm "khi luyện trên xác thai nhi hoặc thủ cấp của các cô gái đồng trinh". Man rợ hơn, Tuấn còn giao cấu với tử thi nhằm thỏa mãn dục vọng ảo tưởng của mình.
Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, sau nhiều lần xét xử, Tuấn nhận mức án cao nhất: tử hình.
Giết người, giấu xác trong bê tông: Xung đột vì tu luyện cuồng tín
Liên quan tới vụ phát hiện xác người trong khối bê tông gây chấn động dư luận, ngày 23-5-2019, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 4 nghi can gồm: Phạm Thị Thiên Hà (SN 1988, ngụ TP.HCM), Trịnh Thị Hồng Hoa (SN 1953, ngụ TP.HCM), Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990, ngụ Tiền Giang), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (SN 1979, ngụ TP.HCM) về hành vi “giết người”.
Cụ thể, công an đã xác định từ hồi tháng 10-2018, 4 nghi can trên và 2 nạn nhân là Trần Đức Linh (SN, quê Nghệ An) và Trần Trí Thành (SN 1992,ngụ TP.HCM) đã thuê một căn nhà tại ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để cả nhóm tu luyện một giáo phái lạ.
Đến tháng 12-2018, Phạm Thị Hiên Hà tổ chức cho cả nhóm đến một khu du lịch tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) để tu luyện.
Trong quá trình tu luyện, nạn nhân Linh không chịu được khổ cực nên đã nhảy lầu bỏ trốn dẫn tới tử vong. Cả nhóm đã không trình báo công an mà 20 ngày sau đưa Linh về căn nhà đã thuê trước đó, lấy trà tẩm liệm, lấy băng dính quấn chặt lại, bỏ vào thùng phi.
Thời gian này, nhận thấy Thành có biểu hiện như “quỷ sa tăng” nhập nên nhóm đã lên kế hoạch “diệt quỷ”. Lợi dụng nạn nhân lúc không để ý, mà siết cổ sát hại. Sau 2-3 ngày, thi thể phân hủy, ảnh hưởng tới quá trình tu luyện, cả nhóm đã dùng thùng phi đổ đầy bê tông để phi tang xác.
Đến ngày 18-5-2019, cả nhóm bị công an phát hiện và bắt giữ khi đang tu luyện ở khách sạn thuộc TP.Thủ Dầu Một.
Nghi bị bỏ bùa, thầy bói truy sát cả gia đình thầy cúng
Khoảng 4h sáng ngày 4-3-2019, người dân ở ngõ 25, đường Hoàng Hoa Thám, TP.Nam Định, bị đánh thức bởi tiếng kêu la thất thanh. Khi mở cửa ra mọi người phát hiện ra anh Bùi Sỹ Thắng (SN 1974) đứng ở đầu ngõ, trên đùi bê bết máu chỉ vào nhà mình kêu cứu.
Hàng xóm ngay lập tức chạy đến thì bàng hoàng phát hiện bà Phùng Thị Mai (vợ ông Được), mẹ đẻ anh Thắng và chị Phạm Thị Dung (vợ anh Thắng, SN 1977) gục chết tại nhà, còn ông Bùi Sỹ Được (hành nghề thầy cúng, SN 1940) cũng nằm gục với nhiều vết thương trên đầu.
Dựa theo lời anh Thắng, cơ quan điều tra xác định nghi phạm của vụ án chính là Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy bói, SN 1967), hàng xóm của gia đình ông Được.
Được biết vì nghi do bị bỏ bùa, nên sáng sớm ngày hôm đó nghi can Ba đã vác dao sang đập cửa rồi truy sát cả gia đình ông Được. Sau đó hắn chạy thẳng về nhà, khóa cửa rồi dùng dao tự tử.
Tuy rằng nạn nhân và nghi phạm được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng 13h30p chiều ngày 7-3-2019, Trịnh Viết Ba đã tử vong tại bệnh viện Việt Đức, khép lại vụ án đau lòng mà nguyên căn không đáng có.
Làm sao để những bi kịch không còn tiếp diễn?
Thực chất vẫn còn nhiều câu chuyện thương tâm mà nguyên cớ chỉ vì mê tín dị đoan, ví như cuối tháng 11-2017, Thanh Hóa xảy ra vụ án bà ngoại giết hại cháu vì tin lời thầy bói phán đứa cháu 20 ngày tuổi của mình là “yêu nghiệt”, nếu cháu sống thì bà sẽ chết. Hay năm 2015, ở Tp.HCM xảy ra vụ án mẹ dùng dây siết cổ con trai vì nghĩ con bị “thánh nhập”,...
Thực tế, nguyên nhân chính là bởi nhận thức nông cạn của mỗi cá nhân về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào “thế lực siêu nhiên”. Sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa hành vi thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan khiến nhiều người không biết đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh, cho nên dễ sa vào xu hướng tiêu cực. Tiêu cực, nguy hiểm nhất chính là “mạng đổi mạng”, hơn thế còn kéo theo nhiều tệ nạn như “buôn thần bán thánh”, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi,...Hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng.
Vậy làm cách nào để đẩy lùi, ngăn chặn những tác động xấu do mê tín dị đoan gây ra?
Công việc bài trừ tệ nạn này cần có sự phối hợp giữa ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân với vai trò của cơ quan chức năng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ để từ đó phòng tránh. Bên cạnh việc vạch trần thủ đoạn lừa dối cần xử lý nghiêm minh các hành vi mê tín hay lợi dụng mê tín ảnh hưởng xấu tới xã hội. Nghĩa là cần một chế tài hoàn chỉnh có sức răn đe, cảnh cáo và làm gương cho các cá nhân khác.
Đồng thời, mỗi người dân phải tự nâng cao nhận thức, tránh rơi vào tình trạng u mê tín ngưỡng mà lầm đường lạc lối. Tất nhiên con người sống thì phải có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải được xây dựng từ cơ sở của nhận thức đúng đắn và tư duy khoa học, hướng tới những giá trị “chân-thiện-mỹ”. Bởi, suy cho cùng hướng tới tín ngưỡng mục đích cuối cùng của con người chính là phúc lộc, bình yên. Mà phúc lộc, bình yên đó chỉ có được khi tự bản thân đi lên con đường chính nghĩa mà lao động là bạn đồng hành còn rèn luyện đạo đức là kim chỉ nam soi đường dẫn lối.