Đau mắt đỏ lây nhiễm trong bao lâu?

Đau mắt đỏ là tình trạng kích ứng lớp ngoài của mắt có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

 Đau mắt đỏ gây ra cảm giác ngứa, rát, đóng vảy ở mắt khiến người bệnh khó chịu. Ảnh: Childandfamilyeyecare.

Đau mắt đỏ gây ra cảm giác ngứa, rát, đóng vảy ở mắt khiến người bệnh khó chịu. Ảnh: Childandfamilyeyecare.

Viêm kết mạc - thường được gọi là đau mắt đỏ - là tình trạng viêm lớp ngoài cùng của mắt, khiến lòng trắng mắt thành màu hồng hoặc đỏ. Tình trạng này có thể gây phiền nhiễu và khá khó chịu. Vì hầu hết người bệnh đều cảm thấy ngứa, rát và đóng vảy ở mắt, mọi người thường muốn biết đau mắt đỏ sẽ qua nhanh như thế nào.

Nguyên nhân

Theo Goodrx, nhiều lý do có thể gây đau mắt đỏ, bao gồm 2 loại chính là truyền nhiễm và không truyền nhiễm (viêm).

Truyền nhiễm

Nguyên nhân phổ biến nhất của đau mắt đỏ là nhiễm trùng, gây ra bởi:

- Virus: Nhiều loại virus khác nhau có thể gây đau mắt đỏ, nhưng phổ biến nhất là adenovirus. Virus có thể gây ra các triệu chứng ở một hoặc cả hai mắt. Những người bị viêm kết mạc do virus thường bị chảy nước mắt kèm theo ngứa nhẹ. Họ cũng có thể có các triệu chứng do virus khác như sốt, đau họng và nghẹt mũi.

- Vi khuẩn: Vi khuẩn thường gây đau mắt đỏ ở trẻ em hơn người lớn. Viêm kết mạc do vi khuẩn thường bắt đầu chỉ ở một bên mắt với nhiều vết đỏ mặc dù nó có thể lan sang mắt kia. Tình trạng này cũng có thể gây ra nhiều dịch tiết màu xanh lá cây hoặc màu vàng. Nhiều người bị viêm kết mạc do vi khuẩn cũng có cảm giác như bị châm chích.

Không truyền nhiễm

Hầu hết người bệnh bị đau mắt đỏ liên quan truyền nhiễm. Tuy nhiên, có một số căn bệnh không truyền nhiễm cũng có thể gây viêm mắt:

- Dị ứng: Nguyên nhân không truyền nhiễm phổ biến nhất của đau mắt đỏ là dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng có xu hướng rất ngứa, ảnh hưởng cả hai mắt và gây chảy nước mắt. Nó có thể đi kèm với các triệu chứng dị ứng khác như hắt hơi và nghẹt mũi, nhưng không phải ai cũng gặp. Các chất gây dị ứng phổ biến có thể gây đau mắt đỏ bao gồm phấn hoa, lông động vật hoặc bụi.

- Chất gây kích ứng: Hóa chất, chẳng hạn hóa chất trong dung dịch tẩy rửa, hoặc ô nhiễm không khí có thể gây kích ứng mắt và viêm kết mạc. Ngay cả thuốc nhỏ mắt cũng có thể gây đau mắt đỏ. Ví dụ, một số người phản ứng với thuốc kháng sinh tại chỗ được sử dụng để điều trị bệnh đau mắt đỏ.

- Các bệnh khác: Trong một số ít trường hợp, đau mắt đỏ có thể do các bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như bệnh Kawaski và hội chứng Sjrgen.

 Đau mắt đỏ chủ yếu do truyền nhiễm nhưng cũng gây ra bởi dị ứng, hóa chất hay thuốc nhỏ mắt. Ảnh: Refinery29.

Đau mắt đỏ chủ yếu do truyền nhiễm nhưng cũng gây ra bởi dị ứng, hóa chất hay thuốc nhỏ mắt. Ảnh: Refinery29.

Đau mắt đỏ kéo dài bao lâu?

Trường hợp đau mắt đỏ kéo dài bao lâu phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân:

- Virus: Đau mắt đỏ do virus gây ra thường khỏi trong vòng một đến 2 tuần, nhưng cũng có thể lên đến 3 tuần.

- Vi khuẩn: Ngay cả khi không điều trị, viêm kết mạc nhẹ do vi khuẩn có thể tự khỏi trong vòng một tuần. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể kéo dài tới 2 tuần.

- Dị ứng: Thời gian bị đau mắt đỏ do dị ứng phụ thuộc vào thời gian người đó tiếp xúc với chất gây dị ứng. Khi chất gây dị ứng được loại bỏ, các triệu chứng có thể hết trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, việc xác định thủ phạm có thể là thách thức và thậm chí còn khó hơn để loại bỏ nguyên nhân.

Chẳng hạn, khó tránh khỏi phấn hoa theo mùa. Và nếu bạn cực kỳ dị ứng với vẩy da thú cưng, điều đó có thể đồng nghĩa với việc bạn phải tránh xa thú cưng.

- Liên quan đến các bệnh khác: Nếu đau mắt đỏ là triệu chứng của căn bệnh nghiêm trọng hơn, thời gian sẽ thay đổi tùy thuộc vào căn bệnh tiềm ẩn. Tình trạng này sẽ cải thiện khi bệnh được điều trị.

Thời gian lây lan

Viêm kết mạc truyền nhiễm có thể rất dễ lây lan - đặc biệt nếu đó là do virus. Một nguyên tắc chung là nếu có các triệu chứng, bạn có thể lây bệnh đau mắt đỏ cho người khác. Điều này có nghĩa là bạn có thể lây nhiễm trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuần.

Đau mắt đỏ truyền nhiễm lây lan qua tiếp xúc trực tiếp. Khi bạn chạm vào mắt, virus hoặc vi khuẩn sẽ bám vào ngón tay của bạn. Và sau đó, nó có thể lây lan sang những người khác thông qua tiếp xúc vật lý hoặc các bề mặt dùng chung.

Có một số điều bạn có thể làm để giảm thiểu sự lây lan của những mầm bệnh này:

Rửa tay.
Tránh chạm vào mắt của bạn.
Ngừng đeo kính áp tròng.
Không dùng chung khăn tắm, khăn tay, khăn giấy, mỹ phẩm, thức ăn hoặc đồ uống.
Đừng bơi trong hồ bơi.
Nghỉ học hoặc đi làm ở nhà cho đến khi hết các triệu chứng.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Hầu hết trường hợp đau mắt đỏ đều tự khỏi. Nhưng nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị cụ thể:

- Đau nhiều: Cảm giác đau nhói nhẹ khi đau mắt đỏ là bình thường. Nhưng mắt thường không bị tổn thương nhiều. Nếu bạn bị đau nhiều, đây có thể là dấu hiệu của các tình trạng mắt khác có thể gây đỏ mắt.

- Nhạy cảm với ánh sáng: Nếu ánh sáng làm bạn khó chịu đến mức chỉ có thể mở mắt trong phòng tối, điều này cũng cho thấy có điều gì khác đang xảy ra.

- Chấn thương mắt: Nếu gần đây bạn bị đánh hoặc trầy xước vào mắt, điều quan trọng là bạn phải đi kiểm tra mắt. Ngay cả những vết trầy xước rất nhỏ cũng có thể gây trầy xước giác mạc.

- Không cải thiện: Nếu các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, hãy nói chuyện với bác sĩ. Điều này cũng cần thiết nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi nhỏ thuốc kháng sinh. Ngoài ra, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu mắc một bệnh nào đó ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn HIV hoặc ung thư.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-mat-do-lay-nhiem-trong-bao-lau-post1401034.html