Đầu máy hết niên hạn sẽ được phép dồn dịch toa xe trong ga
Bộ GTVT cho phép chuyển đổi đầu máy hết niên hạn từ kéo tàu chính tuyến sang dồn dịch trong ga, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Bộ GTVT cho phép chuyển đổi đầu máy hết niên hạn từ kéo tàu chính tuyến sang dồn dịch trong ga, gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Đầu máy dồn dịch toa xe để giải thể, lập tàu tại ga Hà Nội
Bộ GTVT vừa cho phép chuyển đổi đầu máy hết niên hạn từ kéo tàu chính tuyến sang dồn dịch trong ga nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.
Theo Bộ GTVT, Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/1/2018 của Chính phủ quy định rõ niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không áp dụng đối với việc thực hiện “cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, trong đề-pô, trong nội bộ nhà máy; Điều chuyển giữa các ga, các đề-pô; các đầu máy hơi nước kéo đoàn tàu du lịch và các loại phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt”.
Tuy nhiên, các phương tiện giao thông đường sắt không sử dụng để chạy trên chính tuyến theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 65 về niên hạn mà có nhu cầu sử dụng vào mục đích nêu tại Khoản 3 Điều 18 thì phải “được tổ chức đăng kiểm Việt Nam định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.”
Do đó, Bộ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN có trách nhiệm lập và phê duyệt danh sách, phương án khai thác, sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không sử dụng để chạy trên chính tuyến theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 65/2018 mà có nhu cầu sử dụng vào mục đích nêu tại Khoản 3 Điều 18.
Sau đó gửi hồ sơ các phương tiện giao thông đường sắt trên về Cục Đăng kiểm VN để thực hiện các thủ tục kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt; đồng thời gửi Cục Đường sắt VN danh sách các phương tiện sau khi được Cục Đăng kiểm VN cấp Giấy chứng nhận để theo dõi, quản lý.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông khi khai thác, sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt đúng mục đích trên.
Cũng tại văn bản này, Bộ GTVT giao Cục Đăng kiểm VN định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt đối với các phương tiện giao thông đường sắt sử dụng theo mục đích nêu tại Khoản 3 Điều 18. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cục Đường sắt VN có trách nhiệm quản lý, đăng ký và theo dõi hoạt động khai thác sử dụng của các phương tiện do Tổng công ty Đường sắt VN cung cấp theo đúng mục đích sử dụng; Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về quản lý, đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trình Bộ GTVT xem xét.
Đầu máy thực hiện dồn dịch trong ga
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét tiếp tục đăng kiểm cho 31 đầu máy để thực hiện cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, trong đề-pô, trong nội bộ nhà máy; điều chuyển giữa các ga, các đề-pô theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 65.
Lý do, theo tổng công ty, tính đến ngày 1/1/2021, tổng công ty có 45 đầu máy ngừng vận dụng kéo tàu chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia. Trong khi đó, tổng công ty cần 31 đầu máy để phục vụ công tác dồn dịch tại các ga trên toàn tuyến.
Do thiếu đầu máy phục vụ công tác dồn dịch vì nhiều đầu máy hết niên hạn, tổng công ty phải sử dụng các đầu máy công suất lớn đang tham gia kéo tàu chính tuyến để đưa về các ga thường trực phục vụ dồn dịch. Việc này gây lãng phí sức kéo, tiêu hao nhiên liệu lớn, dẫn đến tăng chi phí vận tải và thiếu đầu máy lớn để kéo tàu trong các đợt cao điểm vận tải.
Vì thế, tổng công ty kiến nghị Bộ GTVT cho phép đăng kiểm đổi với 31 đầu máy để thực hiện các mục đích như đã nêu. Tổng công ty cam kết thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng đầu máy theo quy chuẩn quy định; Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các đầu máy trong quá trình khai thác.