Dầu mỏ chịu tác động từ căng thẳng trên Biển Đỏ
Biển Đỏ, trung tâm vận chuyển hydrocarbon, hiện đang gia tăng căng thẳng. Dầu thô Brent và WTI, hai chỉ số quan trọng của thị trường, những ngày qua tăng mạnh. Theo các nhà phân tích, sự gia tăng này liên quan trực tiếp đến hoạt động thương mại gián đoạn ở Biển Đỏ và rủi ro địa chính trị leo thang trong khu vực.
Xung đột Israel-Hamas lần đầu tiên đã lan sang thị trường dầu mỏ. Nhóm phiến quân Houthi ở Yemen đã thừa nhận tiến hành một số vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel cũng như các tàu thương mại hướng đến nước này đi qua Biển Đỏ. Giá dầu trên thị trường cũng đã có phản ứng tức thời. Dầu Brent Biển Bắc liên tục tăng trong các phiên giao dịch những ngày qua, lên sát ngưỡng 80 USD/thùng. Giá dầu kết thúc phiên giao dịch nhiều biến động hôm 20/12 với mức tăng nhẹ do các nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn thương mại toàn cầu và căng thẳng ở Trung Đông khi tình hình Biển Đỏ diễn biến phức tạp.
Hậu quả kinh tế và chiến lược
Hậu quả kinh tế của những căng thẳng này rất đa dạng, trong đó mối quan tâm trước mắt là tác động tiềm tàng đối với giá dầu. Các nhà phân tích lo ngại cuộc xung đột trên Biển Đỏ - nơi trung chuyển khoảng 10% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của thế giới - có thể khiến giá dầu tăng vọt, đe dọa phủ bóng đen lên thị trường năng lượng thế giới.
Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ đã làm xáo trộn tuyến hàng hải quan trọng này và làm dấy nên lo ngại về việc giá dầu tăng và một đợt gián đoạn khác đối với năng lượng và thương mại quốc tế sau đại dịch COVID-19. Lần lượt các hãng vận tải hàng hải hàng đầu thế giới đã thông báo ngừng đưa tàu qua Biển Đỏ cho đến khi an ninh được khôi phục trở lại.
Sự gián đoạn này xảy ra vào thời điểm bấp bênh, khi sự cân bằng mong manh giữa cung và cầu dầu mỏ vốn đang căng thẳng do căng thẳng địa chính trị và những lo ngại về đại dịch tái bùng phát. Nhà phân tích Tamas Varga của PVM Energy đề cập khả năng chi phí tăng, nhưng hạ thấp nguy cơ thiếu hụt trừ khi có sự leo thang lớn liên quan Iran hoặc Saudi Arabia.
Phản ứng quốc tế và viễn cảnh tương lai
Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế đã có phản ứng. Mỹ tuyên bố thành lập liên minh bảo vệ hàng hải mang tên “Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng”, một dấu hiệu mong muốn xoa dịu. Lực lượng này - bao gồm khoảng 10 quốc gia (gồm Pháp, Anh, Bahrain, Canada, Italy, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Seychelles) - có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tuần tra chung ở phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden để bảo vệ giao thông hàng hải.
Các thị trường cũng đang chờ đợi dữ liệu của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA) về dự trữ dầu thô, điều này có thể ảnh hưởng đến giá dầu. Các dự báo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy những xu hướng bất thường về dự trữ dầu thô và xăng. Trong khi các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm giải pháp giảm thiểu rủi ro, thị trường vẫn chú ý đến những diễn biến nhỏ nhất. Nhóm phiến quân Houthi đã tuyên bố sẽ không từ bỏ các hoạt động tấn công quân sự “ngay cả khi Mỹ huy động cả thế giới”, chừng nào Israel chưa chấm dứt tội ác, đồng thời lương thực, thuốc và nhiên liệu đến được tay người dân bị bao vây ở Dải Gaza.
Nhưng, theo cựu Phó đô đốc Michel Olhagaray, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự cấp cao Pháp, vấn đề không chỉ đơn giản là bảo vệ eo biển Bab al-Mandeb chiến lược mà còn bao phủ một khu vực rất rộng lớn kéo dài đến tận Kênh đào Suez, một điểm chiến lược khác cho giao thông hàng hải quốc tế.
Biển Đỏ chưa ở vào tình cảnh đóng cửa. Nhưng bất ổn an ninh quanh eo biển Bab Al Mandeb đã gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với hoạt động vận tải, thương mại toàn cầu, rõ nhất là kéo dài thời gian và làm tăng chi phí vận tải, bảo hiểm. Hàng hóa từ châu Á sang châu Âu nếu phải chạy vòng qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua kênh đào Suez như thông thường sẽ mất thêm 9 ngày, tổng thời gian vận chuyển dự kiến tăng từ 31 ngày lên 40 ngày. Còn tàu chở dầu mỏ, khí LNG sẽ mất gấp đôi thời gian vận chuyển, khiến mỗi chuyến hàng đội thêm chi phí hàng triệu USD.
Tuy nhiên, cuộc xung đột với Houthi không chỉ giới hạn ở dầu mỏ. Biển Đỏ cũng là tuyến đường thủy quan trọng đối với các nguồn năng lượng khác, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mặc dù các tàu chở LNG chưa trở thành mục tiêu trực tiếp, rủi ro an ninh gia tăng có thể ngăn cản các chủ hàng và người mua, ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng ở những khu vực phụ thuộc nhiều vào LNG nhập khẩu. Điều này có thể dẫn đến tăng giá và thiếu hụt năng lượng, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sản xuất điện.
Điều này đẩy thị trường năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Quỹ đạo của cuộc xung đột vẫn chưa thể đoán trước và bất kỳ sự leo thang nào cũng có thể tác động đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, phản ứng của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc triển khai lực lượng hải quân đa quốc gia mới đây, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ gián đoạn.
Eo biển Bab al-Mandeb ngăn cách vùng Sừng châu Phi với Yemen trên Bán đảo Arab. Mỗi năm có hơn 17.000 tàu và khoảng 10% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển này. Công ty phân tích Vortexa cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 8,2 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu đi qua Biển Đỏ. Ước tính khoảng 12% thương mại toàn cầu, trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, được vận chuyển qua Biển Đỏ mỗi năm.