Dầu mỏ Libya một lần nữa thu hút các nhà đầu tư

Libya đang đặt cược nhiều hơn vào dầu mỏ. Sau một thập kỷ hỗn loạn, vẫn bị chia cắt giữa Đông và Tây, nơi hai chính phủ đang tranh giành quyền lực, quốc gia này đặt mục tiêu tăng sản lượng để đạt 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Các công ty nước ngoài một lần nữa đổ xô đầu tư vào Libya, vì nước này có trữ lượng lớn nhất châu Phi.

Một công nhân dầu mỏ làm việc tại một nhà máy lọc dầu bên trong khu phức hợp dầu Brega ở miền đông Libya. Ảnh AP - Hussein Malla

Một công nhân dầu mỏ làm việc tại một nhà máy lọc dầu bên trong khu phức hợp dầu Brega ở miền đông Libya. Ảnh AP - Hussein Malla

TotalEnergies, Shell, ConocoPhillips, tất cả những tập đoàn đa quốc gia về hydrocarbon này gần đây đã đầu tư vào Libya. Trong ba năm qua, đã có những thay đổi đáng kể: Ngân hàng Trung ương được thống nhất, sự thay đổi trong cách quản lý của NOC, công ty dầu mỏ quốc gia, và việc khôi phục các mỏ dầu khác nhau, chẳng hạn như mỏ al-Charara, vốn vẫn bị lực lượng dân quân tranh chấp cho đến gần đây.

Theo Zakaria Al Barouni, Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm Libya Al Baraka, đây là một môi trường đầu tư thuận lợi hơn: “Hiện có rất nhiều hoạt động từ các công ty Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu. Chính phủ đã đảm bảo với các doanh nghiệp này rằng họ có các tổ chức tài chính ổn định. Việc chuyển tiền ra bên ngoài Libya hiện có thể thực hiện một cách đơn giản, cũng sẽ thuận tiện hơn cho các công ty nước ngoài đến hoạt động tại Libya”.

Niềm tin được khôi phục

Tình trạng bất ổn chính trị sau “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011, sau đó là việc lật đổ chế độ Muammar Gaddafi, đã làm giảm mạnh các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này. Trước tình trạng bạo lực và các cuộc tấn công liên tục vào các cảng dầu, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã quyết định đưa nhân viên của họ về nước.

Hiện tại, niềm tin của nhà đầu tư dường như đã được khôi phục. “Chúng tôi đang cung cấp bảo hiểm chiến tranh, lần đầu tiên ở Libya. Chúng tôi bảo hiểm cho các cuộc bạo loạn, bất ổn dân sự, xây dựng, rủi ro và năng lượng. Những loại bảo hiểm này mang lại sự an toàn, yên tâm cho các doanh nghiệp, trong trường hợp có các sự kiện không may xảy ra với hoạt động và cơ sở hạ tầng của họ. Tiền của họ sẽ không bị tiêu tốn vô ích”, ông Zakaria Al Barouni, Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm Libya Al Baraka, cho biết.

Sự bùng nổ của hàng lậu

Tuy nhiên, các hoạt động nội bộ của NOC hiện vẫn bị đánh giá là kém hiệu quả. Buôn lậu nhiên liệu đang bùng nổ. Nhiều nhà quan sát nhận định đây là một chỉ số đáng lo ngại cho các khoản đầu tư.

“Vấn đề buôn lậu nhiên liệu đã tồn tại hơn 10 năm nhưng giá trị của nó tính theo đồng đô la đang ngày một tăng lên. Điều này đồng nghĩa có những khoản thu nhập bẩn đang lưu hành ở miền đông và miền tây Libya”, Jalil Harchaoui, chuyên gia về Libya tại Viện Royal United ở London, tóm tắt. “Tiền đến từ đâu? Chúng tôi không biết. Và vì có những cám dỗ về rửa tiền nên cần phải thận trọng. Các công ty Mỹ, Pháp hoặc Ý đang cầu xin những hợp đồng mà chúng tôi không hiểu rõ bản chất, chúng tôi không biết họ đang tham gia vào việc gì”.

Một phần tiền dầu thô được chi cho việc mua nhiên liệu ở nước ngoài. Nhiên liệu sau đó được bán lại thông qua thị trường buôn lậu ở các nước láng giềng như Chad hoặc Sudan. Theo văn phòng kiểm toán Libya, số tiền này sẽ lên tới hơn 5 tỷ USD mỗi năm.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dau-mo-libya-mot-lan-nua-thu-hut-cac-nha-dau-tu-713019.html