Dầu mỏ thành tâm điểm của mối mâu thuẫn toàn cầu vào những năm 1990

Vào cuối thế kỷ XX, dầu mỏ vẫn là yếu tố quan trọng trong việc quyết định an ninh, sự thịnh vượng và bản chất của nền văn minh.

 Năm 1991, quân đội Iraq gây ra nhiều vụ vụ cháy dầu ở Kuwait. Ảnh: Bechtel.

Năm 1991, quân đội Iraq gây ra nhiều vụ vụ cháy dầu ở Kuwait. Ảnh: Bechtel.

Đầu những năm 1990 - gần 80 năm sau khi Churchill thực hiện quyết tâm chuyển sang sử dụng dầu mỏ, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, trong một thời điểm được kỳ vọng là mở đầu cho kỷ nguyên mới hòa bình hơn - một lần nữa dầu lại trở thành tâm điểm của mối mâu thuẫn toàn cầu.

Ngày 2/8/1990, Saddam Hussein, Tổng thống Iraq, đưa quân xâm lược Côoét. Mục đích của Saddam Hussein không chỉ là xâm chiếm một nhà nước có chủ quyền mà còn nhằm nắm giữ nguồn tài sản quý giá này. Chiến lợi phẩm thu về sẽ rất lớn. Nếu thành công, Iraq sẽ trở thành cường quốc dầu lửa lớn nhất thế giới và kiểm soát cả thế giới Ả-rập và Vịnh Ba Tư, nơi tập trung phần lớn lượng dầu dự trữ của trái đất. Sức mạnh, tài sản mới và quyền kiểm soát dầu mỏ của Iraq sẽ khiến cả thế giới phải bợ đỡ những tham vọng của Saddam Hussein.

Với nguồn tài nguyên của Cô-oét, Iraq sẽ có thể trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân đáng sợ và thậm chí còn có thể tiến dần tới vị trí một siêu cường. Kết quả sẽ là một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực quốc tế. Nói ngắn gọn, một lần nữa, quyền lực chính là chiến lợi phẩm.

Tuy nhiên, do những gì sẽ mất vào tay Iraq quá lớn, nên cuộc xâm lược Cô-oét không được thế giới chấp nhận như một việc đã rồi mà Saddam Hussein từng hy vọng. Không còn là thái độ bị động như khi Hitler tiến hành hoạt động quân sự hóa vùng Rhine phía tây nước Đức hay khi Mussolini tấn công Ethiopia.

Thay vào đó, Liên hợp quốc đã ra lệnh cấm vận đối với Iraq. Nhiều quốc gia phương Tây và Ả-rập đã tập hợp quân đội với quy mô lớn nhằm bảo vệ nước láng giềng Ả-rập Xê-út trước cuộc tấn công của Iraq cũng như chống lại những tham vọng của Saddam Hussein.

Trong lịch sử thế giới chưa từng có tiền lệ [...] nào cho việc triển khai quân nhanh chóng với quy mô lớn như vậy vào khu vực này.

Vài năm rước đó, quan điểm khi cho rằng dầu mỏ không còn “quan trọng” có vẻ được coi là đúng đắn. Mùa xuân năm 1990, chỉ vài tháng trước cuộc xâm ược của Iraq, các quan chức cấp cao thuộc Bộ tư lệnh Mỹ, đầu não chiến dịch huy động quân đội của Mỹ sau này, vẫn còn được thuyết giáo đại ý rằng dầu mỏ đã mất đi tầm quan trọng chiến lược của nó nhưng cuộc chiến ở Cô-oét đã phá tan quan điểm huyễn hoặc này.

Đầu năm 1991, khi các biện pháp hòa bình đều đã tỏ ra vô hiệu trước một Iraq không chịu rút quân khỏi Cô-oét, một liên minh gồm 33 nước do Mỹ dẫn đầu đã tiêu diệt sức mạnh quân đội của Iraq chỉ sau năm tuần không chiến và 100 giờ lục chiến, đẩy Iraq ra khỏi lãnh thổ Cô-oét.

Vào cuối thế kỷ XX, dầu mỏ vẫn là yếu tố quan trọng trong việc quyết định an ninh, sự thịnh vượng và bản chất của nền văn minh.

Daniel Yergin / NXB Thế Giới liên kết Công ty Omega+

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-mo-thanh-tam-diem-cua-moi-mau-thuan-toan-cau-vao-nhung-nam-1990-post1374998.html