Dầu mỏ thế giới: Tổn thất khổng lồ và viễn cảnh ảm đạm
Các công ty dầu khí lớn vừa công bố thiệt hại khổng lồ lên tới hàng chục tỷ USD do đại dịch Covid-19, buộc họ phải thích nghi nhanh hơn trước những viễn cảnh nghiệt ngã.
Theo kết quả công bố những ngày gần đây, năm công ty tư nhân lớn nhất trong ngành - BP, Chevron, ExxonMobil, Royal Dutch Shell và Total - đã ghi nhận khoản lỗ ròng tổng cộng gần 53 tỷ USD trong quý II/2020.
Không có gì ngạc nhiên về những con số kinh khủng này vì giá dầu giảm do đại dịch Covid-19, thậm chí trong một khoảng thời gian ngắn, giá dầu rơi xuống mức âm, các nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền để bán dầu.
Một số lĩnh vực, chẳng hạn như vận tải hàng không, đã rơi vào bế tắc trong khi các quốc gia sản xuất dầu lại chậm trễ trong việc giảm nguồn cung trong một thị trường bão hòa.
Nhưng kết quả của các tập đoàn lớn trên cũng do việc đánh tụt giá trị tài sản lớn: các công ty dầu mỏ đã điều chỉnh lại giá trị sổ sách tài sản của họ không chỉ do giá dầu dự kiến sẽ thấp hơn trong những năm tới mà còn do quá trình chuyển đổi năng lượng đang tăng tốc.
David Elmes, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Warwick, giải thích: “Những tài sản này sẽ ít sinh lời hơn khi chúng tung ra thị trường hoặc chúng sẽ không được sản xuất nữa”.
Sau BP và Shell, Total cũng đã công bố khoản lỗ ròng là 8,1 tỷ USD.
Tập đoàn Pháp giả định rằng trong một tương lai mà nhu cầu dầu mỏ có xu hướng giảm, một phần hydrocacbon dự trữ của họ có thể sẽ nằm mãi dưới đất. Vì việc khai thác những sản phẩm này sẽ trở nên đắt đỏ nhất, giống như dầu cát của Canada.
Arthur van Benthem, phó giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết: “Việc giá giảm mạnh là một phần của xu hướng cơ bản: tốc độ năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh đang khiến các công ty năng lượng truyền thống gặp rủi ro”.
Xem xét lại
Tuy nhiên, nếu chúng ta gạt những yếu tố giá cả này sang một bên, các công ty châu Âu vẫn hoạt động tốt hơn các đối thủ canh tranh ở Mỹ, thậm chí còn xoay xở để tạo ra lợi nhuận ngoại trừ các mặt hàng đặc biệt.
Chẳng hạn, Shell và Total thu được lợi nhuận từ những hoạt động kinh doanh, bao gồm mua và bán hydrocacbon trên thị trường. Các hoạt động đầu cơ này thường hoạt động tốt khi mọi thứ khác gặp trục trặc.
Giám đốc tài chính Shell, Jessica Uhl vui mừng với “hiệu xuất vững chắc” của giao dịch trong bối cảnh “thị trường biến động chưa từng có”.
Tuy nhiên, tình hình nhìn chung vẫn còn khó khăn đối với tất cả các công ty trong ngành, các công ty này đã phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp để giảm chi phí và đầu tư của mình.
Theo công ty chuyên về năng lượng Rystad, việc phê duyệt các dự án dầu khí mới sẽ giảm hơn 75% trong năm nay so với năm 2019, dự kiến sẽ ổn định vào đầu năm 2021.
Những khó khăn này cũng làm tăng áp lực buộc các công ty khổng lồ trong ngành dầu mỏ phải đẩy nhanh sự dịch chuyển sang các năng lượng ít thải ra khí nhà kính, chẳng hạn như điện từ các nguồn tái tạo, vốn có nhiều triển vọng hơn.
BP vừa thông báo rằng họ muốn tăng đầu tư gấp 10 lần vào các nguồn năng lượng carbon thấp từ giờ đến năm 2030 để giảm 40% lượng hydrocacbon.
Luke Parker, công ty chuyên ngành Wood Mackenzie, đánh giá: “Đấy là một bước tiến lớn”. “Giá như có một lúc nào đó để mọi thứ trở lại với nhau, thì tốt rồi”, chuyên gia phân tích.
Arthur van Benthem tóm tắt: “Việc gia tăng năng lượng tái tạo nhanh hơn dự kiến, mối lo lắng ngày càng tăng về cuộc khủng khoảng khí hậu và cuộc suy thoái kinh tế gần đây do Covid-19 đã cho thấy ngành dầu mỏ dễ bị tác động như thế nào”.
Ông kết luận: “Ngày càng có nhiều công ty và quốc gia chuẩn bị một tương lai ít khí thải CO2. Vậy tại sao không bắt đầu đầu tư ngay bây giờ trong nền kinh tế tương lai?”
David Elmes cho biết các công ty quốc tế lớn có quy mô và tiền bạc để dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng chọn đúng thời điểm cho cuộc cách mạng này là “một lựa chọn khó”.