Đối với hải quân Mỹ hay nhiều quốc gia khác trên thế giới, họ đã có kinh nghiệm vận hành tàu sân bay nhuần nhuyễn kể từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Những cường quốc hải quân này chẳng gặp khó khăn gì trong việc thiết kế tàu sân bay cũng như máy bay chiến đấu phù hợp để triển khai trên chiếc "sân bay nổi" này.
Trong khi đó đây lại là lĩnh vực mà hải quân Liên Xô tỏ ra yếu thế hơn hẳn, một phần đến từ học thuyết thiên về sử dụng tuần dương hạm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường.
Mặc dù vậy, sau khi chế tạo các tuần dương hạm mang trực thăng hay tiêm kích có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng thì hải quân Liên Xô cũng bắt tay chế tạo một chiếc tàu sân bay đúng nghĩa.
Đây chính là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nổi tiếng, tuy nhiên người Nga lại gọi là nó "tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay", khi giữa đường cất hạ cánh vẫn có những ống phóng tên lửa hành trình tầm xa.
Nhưng khi đã có tàu sân bay thì yêu cầu tất yếu là phải chế tạo được tiêm kích hạm phù hợp, nguyên mẫu Su-27 Flanker đã được mang ra sửa đổi với mẫu thử T-10K để phát triển thành Su-27K hoàn chỉnh.
Vào ngày 1-11-1989, phi công thử nghiệm nổi tiếng của Nga là Viktor Pugachev đã hạ cánh thành công một máy bay chiến đấu Su-27K xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, đánh dấu sự kiện có tính bước ngoặt của hải quân Liên Xô.
Sau đó Su-27K đã được phê duyệt sản xuất hàng hoạt, chiếc máy bay đầu tiên rời dây chuyền lắp ráp ra mắt vào tháng 2-1990. Các bài thử nghiệm được thực hiện trong giai đoạn 1991 - 1994.
Đến tháng 4-1993, lô máy bay chiến đấu hải quân này được chuyển từ tổ hợp chế tạo hàng không KnAAPO sang Hạm đội Phương Bắc và trở thành một phần của trung đoàn máy bay tiêm kích trên hạm số 279.
Đến tháng 8-1994, đã có 24 chiếc Su-27K được chuyển giao. Trong giai đoạn 1993 - 1995, các phi công chiến đấu của Trung đoàn không quân trên hạm 279 đã hoàn toàn làm chủ kỹ năng cất hạ cánh từ tàu sân bay.
Vào ngày 31-8-1998, theo quyết định của Tổng thống Nga, tiêm kích hạm Su-27K đã được mang tên mới là Su-33, ngoài ra còn có phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27KUB đổi tên thành Su-33UB.
Sau nhiều năm sử dụng, gần đây có thông tin cho biết hải quân Nga dự định loại biên toàn bộ phi đội Su-33 để chuyển sang sử dụng loại MiG-29K nhỏ gọn và dễ triển khai trên tàu sân bay hơn.
Tuy nhiên cuối cùng họ lại quyết định đại tu và nâng cấp Su-33 theo chuẩn Su-30SM để tiếp tục sử dụng, máy bay sẽ nhận radar mảng pha quét thụ động N011M BARS và động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiếc AL-31FP.
Tổng cộng sẽ có 16 chiếc Su-33 được nâng cấp theo cấu hình trên để tiếp tục sử dụng cùng MiG-29K do tính năng kỹ chiến thuật của Su-33 sau hiện đại hóa vẫn tỏ ra vượt trội MiG-29K.
Việt Dũng