Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Tây Ban Nha

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sanchez thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 8 đến 10/4. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1977, đồng thời là hoạt động trao đổi đoàn cấp Thủ tướng đầu tiên giữa hai nước trong vòng hơn 20 năm qua, đánh một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược hướng tới tương lai giữa Việt Nam và Tây Ban Nha tiếp tục phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

Sau chặng đường gần nửa thế kỷ đồng hành, Việt Nam và Tây Ban Nha cùng dệt nên sợi dây gắn kết ngày càng bền chặt và gặt hái nhiều thành tựu đáng tự hào trong hợp tác song phương. Năm 2009, Tây Ban Nha trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Hai bên thiết lập các cơ chế Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau không ngừng được củng cố, bất chấp khoảng cách về mặt địa lý.

Sự tin cậy đó là cơ sở quan trọng để Việt Nam và Tây Ban Nha đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ kinh tế, thương mại song phương ghi nhận nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong ASEAN.

Trong giai đoạn 2019-2024, kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ở mức bình quân 8,7%/năm. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 4,72 tỷ USD, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so với mức năm 2023. Đáng chú ý, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Tây Ban Nha mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp.

Về đầu tư, Tây Ban Nha hiện có 97 dự án tại Việt Nam với mức vốn 143,88 triệu USD, đứng thứ 46 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lưu trú, dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, Việt Nam có 3 dự án đầu tư sang Tây Ban Nha với mức vốn 64,2 triệu USD trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học-công nghệ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Tây Ban Nha đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Dành cho Việt Nam vị trí ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển, Tây Ban Nha đã cam kết cho Việt Nam vốn vay ODA, viện trợ không hoàn lại hơn 1 tỷ USD, chủ yếu thông qua 5 chương trình hợp tác tài chính trong một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới, y tế, khoa học-công nghệ.

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Tây Ban Nha thời gian qua là những hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân sôi động, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Hai bên đã ký Hiệp định Hợp tác Du lịch vào tháng 4/2002, Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Giáo dục và Khoa học tháng 6/2005; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh, triển lãm, xúc tiến du lịch tại mỗi nước. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tây Ban Nha đã tài trợ nâng cấp một khách sạn của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội theo kiến trúc Tây Ban Nha và tham gia dự án Con đường Gốm sứ. Việt Nam hiện miễn thị thực đơn phương cho công dân Tây Ban Nha trong thời hạn 45 ngày và đã đón 91.400 lượt khách du lịch Tây Ban Nha đến thăm trong năm 2024.

Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và ASEAN. Trong vấn đề Biển Đông, Tây Ban Nha ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Việc đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thăm chính thức Việt Nam là bước đi thiết thực nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó có Tây Ban Nha.

NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dau-moc-quan-trong-trong-quan-he-viet-nam-tay-ban-nha-post871025.html