Dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Với tỷ lệ 94,61% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, chiều ngày 11-11, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Đây là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân vào sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Sự kiện này cũng là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu chủ trì, phối hợp với các lực lượng tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu chủ trì, phối hợp với các lực lượng tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

Trước đó, qua các cuộc thảo luận, xin ý kiến, đại đa số ĐBQH cũng như các chuyên gia đều cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân vào sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự tâm đắc với Điều 7 của Luật BPVN có nội dung về trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm: “Từng công dân ở khu vực biên giới nếu làm tốt trách nhiệm của mình thì chúng ta sẽ có một lực lượng hùng hậu để thực hiện hoạt động biên phòng vì không ai nắm rõ địa bàn, các hoạt động xảy ra trên địa bàn như chính người dân nơi đó. Mỗi người dân sẽ là một chiến sĩ, góp phần cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và thực hiện tốt việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đồng thời, quy định này cũng phù hợp với mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc” .

Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Hoa, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, tại khu vực biên giới quốc gia có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, việc Luật BPVN ra đời quy định BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là phù hợp và cần thiết trong tình hình mới. “Việc Luật BPVN quy định cụ thể BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác sẽ đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, bí mật, kịp thời trong xử lý các vụ việc, không tạo khoảng trống, không sót lọt trong xử lý các vụ việc nảy sinh trên biên giới” - Đại biểu Nguyễn Thị Như Hoa chia sẻ.

Ngoài ra, Chương III của Luật BPVN quy định cụ thể về vị trí, chức năng, quyền hạn, phạm vi hoạt động, hình thức, biện pháp bảo vệ biên giới quốc gia... của BĐBP. Theo đó, BĐBP được Luật BPVN quy định rõ là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. BĐBP có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Luật BPVN đã quy định rất toàn diện và cụ thể về nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, Luật BPVN đã đề cập đến 7 nhiệm vụ biên phòng, bao gồm: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới.

Cùng với đó, Luật BPVN quy định nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị giúp Trường Mầm non Hướng Việt khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị giúp Trường Mầm non Hướng Việt khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Kim Nhượng

Luật BPVN cũng quy định cụ thể các vấn đề về hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài và sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang.

Đánh giá về sự kiện Luật BPVN được Quốc hội thông qua, đại đa số ĐBQH đều cho rằng, quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật BPVN được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; vấn đề bình đẳng giới và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính được bảo đảm; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-moc-quan-trong-trong-su-nghiep-bao-ve-chu-quyen-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-post435131.html