Dấu mốc thay đổi địa chính trị lớn nhất châu Âu
Cấu trúc an ninh châu Âu vừa ghi dấu mốc lịch sử khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Phần Lan làm thành viên. Đây là sự thay đổi địa chính trị lớn nhất 'lục địa già' trong nhiều thập kỷ.
Ngày 4/4/2023, NATO chính thức kết nạp Phần Lan làm thành viên thứ 31. Thông tin được công bố trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Thủ đô Brussels của Bỉ trong tuần này. Giới quan sát an ninh quốc tế đánh giá, đây là dấu mốc quan trọng không chỉ đối với an ninh của Phần Lan, mà còn cả khu vực Bắc Âu và NATO.
Bình luận từ giới chuyên gia chính trị, việc liên minh quân sự hùng hậu nhất thế giới hoàn tất thủ tục kết nạp Phần Lan sau khoảng thời gian ngắn giải quyết nhiều trắc trở đã phần nào cho thấy nỗ lực to lớn nhằm tăng cường tính mở rộng và đoàn kết nội khối. Tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan được đánh giá là cấp tốc, kết thúc chỉ trong khoảng thời gian ngắn lịch sử là hơn 10 tháng. Theo đó, tháng 5/2022, Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt 7 thập kỷ duy trì chính sách trung lập. Một vấn đề nổi cộm cản bước gia nhập NATO của Phần Lan là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc Phần Lan bảo trợ cho các nhóm khủng bố chống lại nước này. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết khá nhanh gọn và đại diện Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trao cho Ngoại trưởng Mỹ văn bản chính thức xác nhận việc nước này phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan.
Trước những thách thức mới, vấn đề đặt ra là liệu thành viên thứ 31 có đóng góp được nhiều cho sức mạnh quân sự của NATO hay không? Nhiều học giả chính trị, quân sự phương Tây cùng khẳng định, Phần Lan sẽ là một thành viên có giá trị cao trong NATO và trên thực tế, việc NATO kết nạp Phần Lan có thể xem là một minh chứng cho thấy mức độ phù hợp và cấp thiết của động thái có tính lịch sử. Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê về sức mạnh quân sự của Phần Lan cho hay, thành viên thứ 31 của NATO hiện có 280 nghìn quân chính quy, 900 nghìn quân dự bị, trang bị và huấn luyện rất tốt. Về sự tinh nhuệ, Phần Lan từng sở hữu học thuyết quân sự rất đặc biệt. Mặt khác, Phần Lan cũng được đánh giá là quốc gia sở hữu lực lượng pháo binh tinh nhuệ hàng đầu châu Âu, lực lượng tác chiến không gian mạng trình độ cao của một cường quốc công nghệ.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhìn nhận, thực tế, nhiều thành viên NATO có tiềm lực quân sự yếu, thậm chí có những nước sống “tầm gửi” hoàn toàn vào lực lượng chung của NATO. Trong khi đó, Phần Lan với tiềm lực quân sự mạnh sẽ lập tức tạo ra vị thế cao hơn đáng kể so với một bộ phận không nhỏ những thành viên yếu này. Việc NATO có thêm Phần Lan sẽ giúp liên minh tăng cường đáng kể sức mạnh tại khu vực.
Xoay quanh sự kiện NATO có thành viên thứ 31, dư luận quốc tế dành nhiều quan tâm tới phản ứng của phía đối lập NATO. Tuy nhiên, những phản ứng trái chiều khá kiềm chế. Bởi trên thực tế, Phần Lan hiện mới chỉ đứng vào hàng ngũ thành viên của NATO và chưa có những động thái căn bản đe dọa đến cấu trúc an ninh của phía đối lập NATO, cụ thể là việc liên minh triển khai khí tài và nhân lực quân sự trên lãnh thổ quốc gia Bắc Âu này. Giới quan sát an ninh khu vực nhận định, nếu NATO triển khai quân sự trên lãnh thổ Phần Lan trong thời gian tới, gần như chắc chắn sẽ có những động thái đáp trả quyết liệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh an ninh quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu đầy biến động như hiện nay, giới chuyên gia dự báo, sẽ khó có động thái mang tính khiêu khích, bởi tất cả các quốc gia đều muốn hạ nhiệt căng thẳng, tái ổn định, thay vì “đổ thêm dầu vào lửa”.