Dấu mốc thúc đẩy quan hệ song phương

Biên bản ghi nhớ (MoU) vừa được ký kết giữa Turkmenistan và Azerbaijan về hợp tác khai thác, phát triển tại mỏ dầu khí Dostluk ở biển Caspi không chỉ giúp giải quyết tranh chấp hàng thập kỷ qua mà còn được coi là dấu mốc mới trong việc thúc đẩy hợp tác về năng lượng cũng như trong quan hệ giữa hai nước và khu vực.

Quang cảnh lễ ký Biên bản ghi nhớ tại thủ đô Ashgabat (Turkmenistan).

Thông báo của Bộ Ngoại giao Turkmenistan cho biết, Ngoại trưởng Rashid Meredov của nước này và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã ký một biên bản ghi nhớ tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan vào ngày 21-1 để xem xét việc thăm dò và phát triển chung tại mỏ dầu khí Dostluk trên biển Caspi. Tổng thống nước chủ nhà Gurbanguly Berdymukhamedov và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã theo dõi buổi ký kết qua hình thức trực tuyến và nhấn mạnh đây là cột mốc mới trong sự phát triển của quan hệ giữa hai nước.

Dostluk, có nghĩa là “tình hữu nghị” trong cả hai ngôn ngữ Turkmen và Azeri, giờ đã là cái tên chung cho mỏ dầu khí mà trước đây Turkmenistan gọi là Kyapaz còn Azerbaijan gọi là Serdar. Giữa hai nước từng tồn tại bất đồng về quyền sở hữu mỏ dầu khí này do sự khác biệt trong cách giải thích về biên giới trên biển. Các chuyên gia ước tính mỏ Dostluk chứa khí tự nhiên và khoảng 60-70 triệu tấn dầu.

Tuyên bố của Chính phủ Turkmenistan cho biết, hai nước đã quyết định hợp tác tại mỏ dầu khí này sau chuyến thăm của Tổng thống Turkmenistan G.Berdymukhamedov tới thủ đô Baku của Azerbaijan vào tháng 3-2020, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang dần nồng ấm trong những năm qua. Tuyên bố này khẳng định, biên bản ghi nhớ được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để thu hút các khoản đầu tư nước ngoài lớn vào dự án chung cũng như đối với sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia.

Theo Phó Trưởng bộ phận Quan hệ công chúng và sự kiện của nhà sản xuất dầu khí nhà nước Azerbaijan SOCAR Ibrahim Ahmadov, tiềm năng phát triển quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí là rất lớn, thể hiện ngay ở cái tên Dostluk - “tình hữu nghị” mang đầy tính biểu tượng. Ông I.Ahmadov cũng cho biết, Azerbaijan đã đóng góp nhất định cho dự án này với các hoạt động khảo sát thực địa và chia sẻ cơ sở hạ tầng. Hiện Azerbaijan cũng là một điểm trung chuyển chính của Turkmenistan khi mỗi năm có khoảng 29 triệu thùng dầu của nước này qua trục đường vận chuyển Baku - Tbilisi (Gruzia) - Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) để tiếp cận thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, biên bản ghi nhớ còn có thể mở đường cho việc thúc đẩy đường ống dẫn xuyên biển Caspi trị giá hàng tỷ USD, nối các mỏ dầu khí trữ lượng lớn ở Turkmenistan tới châu Âu qua Azerbaijan. Phần lớn trữ lượng khí đốt tự nhiên của khu vực biển Caspi nằm ở phía Đông, là các vùng hẻo lánh của Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan. Khoảng cách xa xôi đến các thị trường cũng như việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí đốt tới khách hàng đã làm giảm sự quan tâm dành cho tiềm năng khí đốt tự nhiên của khu vực này. Trong khi đó, việc phát triển đường ống dẫn đã bị kìm hãm bởi yếu tố địa chính trị, thiếu sự hậu thuẫn về thương mại, mặc dù một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về tình trạng của biển Caspi đã được ký kết bởi các quốc gia ven biển là Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Turkmenistan, Nga vào năm 2018 và được coi là một bước đi tích cực.

Truyền thông hai nước nhận định, bản ghi nhớ đã mở ra một chương mới trong hợp tác giữa Turkmenistan và Azerbaijan trong lĩnh vực năng lượng, là dấu mốc mới trong phát triển quan hệ hai nước. Đây là kết quả từ những nỗ lực chung nhằm tạo ra bầu không khí hòa bình, láng giềng hữu nghị và quan hệ đối tác bình đẳng ở khu vực biển Caspi. Theo đại diện SOCAR, cả hai nước Turkmenistan và Azerbaijan sẽ tiếp tục đi đến nhất trí về các điều khoản thương mại và kỹ thuật cho việc cùng thăm dò và phát triển mỏ Dostluk, trong đó bao gồm việc thu thập dữ liệu địa chấn hiện đại và khoan các giếng thăm dò.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/989390/dau-moc-thuc-day-quan-he-song-phuong