Đậu mùa khỉ có nguy hiểm như Covid-19?

Hiện, trên thế giới đã có vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ. Bên cạnh đó, một số dòng thuốc hiện có tác dụng lên họ virus này.

Bệnh đậu mùa khỉ đã có vắc-xin.

Bệnh đậu mùa khỉ đã có vắc-xin.

Ngoài ra, cách điều trị khác là truyền dịch chứa kháng thể để trung hòa virus gây đậu mùa khỉ.

Căn bệnh hiếm

PGS.TS Trần Huỳnh - Trường Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) chia sẻ, không ít người băn khoăn rằng, liệu bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm như Covid-19. Theo chuyên gia này, đậu mùa khỉ sẽ không gây nguy hiểm như Covid-19. Ngoài ra, điều quan trọng là bệnh này đã có thuốc điều trị và vắc-xin.

“Đây là một trong những bệnh do virus gây ra, được phát hiện năm 1958 trong phòng thí nghiệm nuôi cấy trên khỉ. Thời điểm đó, phòng thí nghiệm có những ca bệnh thủy đậu xảy ra tại khỉ.

Hiện, bệnh này lây lan tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada và châu Âu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Song, với tốc độ toàn cầu hóa, có thể, Việt Nam sẽ ghi nhận ca mắc bệnh này”, PGS Trần Huỳnh nhận định.

Theo chuyên gia này, đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng. Về triệu chứng bệnh, PGS Huỳnh cho biết, virus sẽ gây các hạt nổi trên da. Tình trạng này sẽ kéo dài một vài hôm. Song, người có hệ miễn dịch tốt sẽ tự lành.

Trong khi đó, người có vấn đề về hệ miễn dịch có nguy cơ bị nặng hơn. Hiện, có hai chủng gây đậu mùa khỉ là Congo và Tây Phi. Congo là chủng nguy hiểm hơn, có thể gây tử vong. Ngược lại, tỷ lệ tử vong ở người mắc chủng Tây Phi rất thấp.

PGS Huỳnh cho biết, khi mắc đậu mùa khỉ, bệnh nhân sẽ sốt, đau nhức, nhức đầu, mệt mỏi, nổi tuyến hạch, nổi mẩn đỏ có nước phồng lên trong vài ngày. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, thông qua dịch cơ thể. Bệnh có thể lây qua tổn thương trên da. Nếu da lành và tiếp xúc xa, rủi ro là thấp.

Tỷ lệ người đồng tính mắc bệnh cao hơn. Lý do là bị chất dịch tiếp xúc thường cao hơn bình thường, do môi trường và mối quan hệ rủi ro hơn. Người cộng đồng đồng tính cần cẩn thận, khi tiếp xúc, hoặc vùng da ở nơi nhạy cảm bị rách.

Hiện, vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ đã được chấp thuận. Bên cạnh đó, theo PGS Huỳnh, một số dòng thuốc hiện có tác dụng lên họ virus này. Cách điều trị khác là truyền dịch chứa kháng thể để trung hòa virus này.

“Mọi người không nên nghĩ rằng, đây là một đại dịch như Covid-19. Bệnh đậu mùa khỉ là do virus gây ra, cùng họ với thủy đậu. Bệnh có thể được ngăn ngừa dễ dàng bằng cách tránh tiếp xúc”, PGS.TS Trần Huỳnh cho biết.

Giám sát chặt chẽ

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối, đệm… từ người bệnh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 - 13 ngày, nhưng cũng có thể từ 5 - 21 ngày. Theo CDC Mỹ, triệu chứng phát ban của bệnh đậu mùa khỉ thường liên quan đến mụn nước hoặc mụn mủ nằm sâu, chắc hoặc cứng.

Các tổn thương có thể lõm xuống hoặc tụ lại và tiến triển thành vảy theo thời gian. Các triệu chứng biểu hiện thường bao gồm sốt, ớn lạnh, phát ban đặc biệt hoặc nổi hạch mới…

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, các đơn vị chức năng vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và biện pháp ứng phó.

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát.

Qua đó, phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là người đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, gồm: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống tạm thời, như: Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi.

Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/dau-mua-khi-co-nguy-hiem-nhu-covid-19-HwTEThr7R.html