Đậu mùa khỉ: Thiếu hụt nguồn cung vaccine
Trong khi ngành y tế các nước đang băn khoăn, việc phụ thuộc vào nguồn cung vaccine bị thiếu hụt và các mối lo ngại về việc sử dụng chúng có phải phương án tốt nhất hay không thì bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan mạnh trên toàn cầu, tấn công hàng chục quốc gia...
Cân bằng các “tuyến phòng thủ”
Chỉ có 1,5 triệu liều vaccine đậu mùa khỉ của Bavarian Nordic được sử dụng hoặc có sẵn ở 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm gần 90% tổng số ca bệnh, trong đó, phần lớn các liều thuốc là ở Mỹ. Các số liệu này có được từ một bản thống kê của Reuters dựa trên các tuyên bố của chính phủ, lần đầu tiên nhấn mạnh mức độ chênh lệch nguồn cung toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, sẽ cần 10 triệu liều vaccine để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, với trọng tâm hiện tại là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.
Các chuyên gia khác cho rằng, một phản ứng công bằng toàn cầu cũng sẽ ưu tiên một số lượng chưa xác định những người có nguy cơ cao ở 11 quốc gia châu Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ đã là một vấn đề sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm qua. Một số quốc gia như Mỹ, Anh và Tây Ban Nha đang cung cấp các liều thuốc có sẵn, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng.
Trên thực tế, vaccine của Công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch chưa trải qua các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá về khả năng phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, mặc dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy, nó sẽ cung cấp một số biện pháp bảo vệ nhất định.
Tiến sĩ Dimie Ogoina - Giáo sư y khoa tại Đại học Niger Delta ở Nigeria và là thành viên của Ủy ban Khẩn cấp bệnh đậu mùa khỉ của WHO cho biết: “Toàn bộ chiến lược tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ có rất nhiều điều không chắc chắn”.
Nghiên cứu của Giáo sư Ogoina vào năm 2017 đã nhấn mạnh về khả năng lây lan bệnh đậu mùa ở khỉ qua đường tình dục ở Nigeria - nơi chưa có vaccine. "Thật không may, tôi không chắc các cơ quan y tế đang thông báo những điều rủi ro này cho công chúng" - Giáo sư Ogoina nói.
Hơn 40.000 người đã bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, một loại virus lây lan qua tiếp xúc rất gần, trong năm nay. Khoảng 10% đã phải nhập viện trong tình trạng đau dữ dội và 12 người đã tử vong. WHO đã tuyên bố đợt bùng phát là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức báo động cao nhất của tổ chức này.
"Chiến lược kiểm soát đầu tiên là thay đổi hành vi. Cần yêu cầu những người có nguy cơ cao giảm các hoạt động có nguy cơ và áp dụng các hành vi có thể giảm nguy cơ, chẳng hạn như sử dụng bao cao su, sàng lọc triệu chứng trước khi quan hệ tình dục" - ông Jay Varma - Giám đốc Trung tâm Phòng chống và ứng phó đại dịch Cornell ở Mỹ cho biết.
Các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức và Tây Ban Nha đang thiết lập các thử nghiệm để đánh giá tác động của vaccine, mặc dù vẫn chưa rõ khi nào có kết quả.
Thực trạng nguồn cung
Vaccine Bavarian Nordic - được gọi là Jynneos, Imvanex và Imvamune, tùy thuộc vào từng quốc gia - là mũi tiêm duy nhất được các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu và các nơi khác cho phép để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Tuần trước, người phát ngôn của Bavarian Nordic cho biết, họ đã ký hợp đồng với một nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ để giúp đẩy nhanh việc phân phối vaccine. Ban đầu công ty sản xuất một lô (khoảng từ 200.000 đến 300.000 liều/ tuần), nhưng kể từ khi căn bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 5, sản lượng đã tăng gấp đôi.
Người phát ngôn của Bavarian Nordic dự kiến, công suất nội bộ sẽ tăng gấp ba vào cuối năm 2022 so với mức hồi tháng 5 và cho biết, công ty cũng đang đàm phán với nhiều đối tác khác để mở rộng năng lực sản xuất.
Trong khi đó, các nước đang cố gắng rút bớt liều vaccine để tiết kiệm. Anh, Canada và Đức đang sử dụng một liều cho mỗi người thay vì hai liều, điều này cho phép họ tiêm được cho nhiều người hơn dù mỗi người có thể nhận được sự bảo vệ ít hơn hoặc kém bền hơn.
Ban đầu, vaccine này được phát triển để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa, trong trường hợp bệnh đó tái phát trở lại. Nhưng các nhà khoa học tự tin rằng, nó sẽ cung cấp ít nhất một mức độ bảo vệ tương tự để chống lại virus đậu mùa khỉ. Sự cho phép theo quy định của Jynneos phần lớn dựa trên các thí nghiệm trên động vật với bệnh đậu mùa khỉ, cũng như dữ liệu cho thấy nó an toàn và thúc đẩy phản ứng miễn dịch ở người.
Theo người phát ngôn của WHO, hiện chỉ có 40% quốc gia đang trải qua đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp cận được vaccine này. Ví dụ như Brazil và Peru, 2 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu, vẫn chưa có vaccine, mặc dù các cuộc đàm phán đang được tiến hành và việc giao hàng sẽ đến vào cuối năm nay. WHO đang cố gắng thiết lập một cơ chế phân phối công bằng, nhưng không có khả năng tiếp cận với vaccine.
"Bạn không thể phân bổ liều lượng mà bạn không có" - ông Nicole Lurie - Quyền Giám đốc của Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI), người đã tham gia vào các cuộc thảo luận, cho biết.
Một số chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ cũng cho rằng, cho đến khi có thêm nguồn cung cấp và dữ liệu về hiệu quả của vaccine, các chính phủ nên ưu tiên tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như nam giới bị suy giảm miễn dịch có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
Các nhà khoa học tại trường Đại học Y tế Công cộng Yale ước tính, khoảng hơn một nửa nam giới có nguy cơ cao cần được tiêm phòng để kiểm soát dịch bệnh, tùy thuộc vào khả năng lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ, hiệu quả của việc truy vết và hiệu quả của vaccine - tất cả đều là những ẩn số.
Bà Melanie Chitwood, đồng tác giả của nghiên cứu tại trường Đại học Yale cho biết: “Chúng ta thực sự đang trong một cuộc chạy đua chống lại virus. Điều đáng lo ngại về sự thiếu hụt vaccine trên toàn cầu là chúng ta càng mất nhiều thời gian để đạt đến ngưỡng quan trọng của các cá nhân được tiêm chủng, virus càng có nhiều thời gian để thực hiện công việc của mình".
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dau-mua-khi-thieu-hut-nguon-cung-vaccine-5695081.html