Đầu năm 2022, Việt Nam có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine phòng COVID-19 đi vào hoạt động
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên với công suất đủ lớn và dự kiến đầu năm 2022, sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine phòng COVID-19 đi vào hoạt động.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 266/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về thuốc, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh COVID-19, trong đó xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp y tế, hành chính, kinh tế xã hội. Trong các giải pháp về y tế phải đồng bộ cách ly, xét nghiệm, vaccine, điều trị.
Đầu năm 2022, Việt Nam có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine phòng COVID-19 đi vào hoạt động. Ảnh minh họa - internet
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên với công suất đủ lớn và dự kiến đầu năm 2022, sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine đi vào hoạt động tham gia đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.
Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, ban hành, cập nhật hướng dẫn về tiêm vaccine đủ liều cho các lứa tuổi; tiêm tăng cường; tiêm kết hợp các loại vaccine… bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xây dựng phương án cụ thể về nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại vaccine.
Tăng cường chỉ đạo công tác tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 (bao gồm kiểm định, phân bổ, tổ chức tiêm…) bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, công khai minh bạch.
Khẩn trương hướng dẫn tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi và tiêm tăng cường; đánh giá tổng thể nhu cầu vaccine (kể cả cho trẻ em); số lượng, tiến độ giao hàng vaccine đã ký kết nhập khẩu hoặc tiếp nhận viện trợ; tiến độ và công suất sản xuất vaccine trong nước… trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nhập khẩu, mua trong nước bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; hàng tuần báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Đối với thuốc điều trị, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương cập nhật các phác đồ điều trị từ sớm, điều trị tại nhà trong đó lưu ý kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị, thuốc bổ trợ, đặc biệt là thuốc điều trị từ sớm, điều trị tại nhà. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại thuốc.
Đối với sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm: Khẩn trương cập nhật, hướng dẫn, cấp phép sử dụng các công nghệ xét nghiệm mới tiện dụng, hiệu quả hơn trên thế giới. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua đối với từng loại sinh phẩm, thiết bị. Xây dựng phương án người dân tự xét nghiệm. Cập nhật hướng dẫn người dân tự xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp để định hướng các doanh nghiệp sản xuất các bộ kit xét nghiệm thuận tiện, tiết kiệm nhất.
Đối với các loại vật tư, trang thiết bị: Bổ sung, cập nhật các hướng dẫn sử dụng phù hợp với điều kiện của hệ thống y tế các cấp. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước, mua dự phòng các loại vật tư, trang thiết bị cùng với phương án phân bổ trang thiết bị sau dịch bảo đảm chủ động, tiết kiệm nguồn lực.
Đối với các sinh phẩm, công nghệ khử khuẩn phục vụ phòng, chống dịch: Khẩn trương cập nhật, hướng dẫn sử dụng các công nghệ, sinh phẩm khử khuẩn hiệu quả, ít ô nhiễm môi trường.