Đầu năm, doanh nghiệp mạnh tay chi tiền 'khủng' cho các đại dự án
Đầu năm 2024, một loạt các Dự án nghìn tỷ đã được các cơ quan Trung ươngvà địa phương chấp thuận chủ trương, trao chứng nhận đầu tư hoặc ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Nhiều 'ông lớn' đã được tin tưởng 'chọn mặt gửi vàng'.
Loạt doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương, trao chứng nhận đầu tư
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh. Theo đó, nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: GVR).
Dự án có quy mô sử dụng đất là 495,17ha, được thực hiện tại ấp Đá Hàng và ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.350 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 352,5 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 1/3 đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
KCN Hiệp Thanh có tổng vốn đầu tư hơn 2000 tỷ đồng
Quyết định nêu rõ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP sử dụng vốn, huy động vốn để đầu tư vào dự án; bảo đảm hiệu quả đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong quá trình đầu tư dự án.
UBND tỉnh Tây Ninh kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; bảo đảm điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho công nhân trồng cây cao su bị mất việc làm.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP, cần lập phương án phân kỳ đầu tư dự án theo các giai đoạn, đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu đất khu công nghiệp và góp đủ vốn chủ sở hữu, thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng vừa trao chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho một số dự án. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng.
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm. Tổng vốn nghiên cứu đầu tư dự kiến là trên 120.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng các dự án của Hòa Phát tại Phú Yên sẽ tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên, đóng góp ngân sách cho địa phương mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.
“Soi” năng lực tài chính của các “ông lớn”
Ông Trần Đình Long- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, có trên 30 năm kinh nghiệm sản xuất công nghiệp quy mô lớn.
Tập đoàn Hòa Phát hiện có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm. Trong đó, phôi thép, thép xây dựng thép chất lượng cao là 5,5 triệu tấn, thép cuộn cán nóng đạt 3 triệu tấn/năm. Hòa Phát dẫn đầu thị phần tại Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất, và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép HRC, cáp thép dự ứng lực và nhiều loại thép chất lượng cao khác.
Tập đoàn đang triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Dự kiến, khi dự án hoàn thành vào năm 2025, năng lực sản xuất thép thô hàng năm của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn, tương đương top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Tại báo cáo tài chính quý 4/2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt doanh thu thuần 7.591,1 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính trong quý ở mức 351,4 tỷ đồng, tăng 43% so với năm ngoái. Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng 43%, chi phí tài chính lại giảm 41%, còn 131,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt mức 1.416 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 3.369,9 tỷ đồng, giảm 29,8% so với năm trước. So với kế hoạch đề ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ hoàn thành 79% kế hoạch lãi ròng năm.
Tổng tài sản của tập đoàn này tính đến ngày 31/12/2023 ở mức 78.385 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,07% so với đầu năm 2023.