Đầu năm mới, thợ lặn 'hái' tiền triệu mỗi ngày ở đáy sông
Sau Tết Âm lịch, các thợ lặn ở Quảng Xương (Thanh Hóa) lại dong thuyền ra sông đi lặn. Sau khoảng 5 giờ, họ có thể bắt được hàng tạ hàu, vẹm xanh, ngao… thu về hàng triệu đồng. Đây là tín hiệu vui, hứa hẹn một mùa bội thu.
Buổi sáng ngày đầu năm, anh Phạm Văn Công chọn lúc nước sông Yên (xã Quảng Nham, Quảng Xương) trong nhất để đi lặn. Anh công ngậm ống dưỡng khí, lặn sâu 6-10 m để cạy những con vẹm xanh, hàu… bám vào vách đá, chân cọc.
Mỗi chuyến đi lặn gồm 2-3 người, làm việc trên chiếc bè mảng kết bằng tre trong khoảng 5 giờ đồng hồ. Anh Công chia sẻ: “Nghề lặn không có giờ giấc cụ thể mà đi theo chiều nước sông trong nhất, nếu nước đục là không đi được”.
Bè nổ máy chạy khắp vùng nước sâu, nơi có nhiều bãi đá để khai thác vẹm, ngao hoặc hàu…
Dịp đầu năm trời còn rét, thợ lặn thường ngâm mình làm việc dưới đáy sông nhiều giờ nên phải mặc áo lặn chuyên dụng giúp giữ ấm cơ thể.
Ngoài ra, mỗi người phải đeo một băng chì nặng khoảng 20kg giúp người chìm sâu dưới nước.
Kính lặn là đồ nghề không thể thiếu với thợ lặn. Kính phải kín nhằm ngăn nước vào mắt và giúp thợ nhìn rõ các vật dưới đáy sông. Cùng với đó là những cuộn dây dẫn khí dài hàng trăm mét đủ để người thợ bơi khắp đáy sông rộng mà không sợ thiếu oxy.
Để làm nghề, những người thợ cần một máy nén khí để cung cấp oxy, ngoài việc trông máy, người trên bè phải quan sát mặt nước, bọt khí của thợ lặn bên dưới để điều chỉnh công suất máy nén cho phù hợp, đảm bảo an toàn khí thở cho thợ lặn.
Mùa lặn thường bắt đầu từ đầu năm đến tháng 10 âm lịch.
“Giá bán vẹm khoảng 20.000 đồng/kg, hàu khoảng 18.000 đồng/kg, mỗi chuyến lặn may mắn thu về từ 2 đến 3 triệu đồng”, anh Phạm Văn Tuấn, 29 tuổi, thợ lặn phụ chia sẻ.
Trung bình mỗi lần lặn họ bắt được khoảng 30-50 kg đủ các loại ngao, hàu, vẹm xanh. Chuyến lặn đầu năm gặp nhiều thuận lợi, khiến những người thợ lặn phấn khởi, hứa hẹn một mùa bội thu.