Đầu năm nói chuyện bia rượu
Không ai cấm uống bia rượu mà chỉ cấm khi uống say xỉn rồi lái xe gây mất an toàn cho người khác và cho chính mình.
Nhân viên ở các cơ quan, công sở đã đi làm được vài ba hôm nay nhưng tình trạng “đến cơ quan cho đúng giờ” rồi hẹn hò đến một nhà người bạn nào đó “uống chén rượu đầu năm” vẫn đang xảy ra dù không nhiều.
Tuy nhiên, việc kiểm tra nồng độ cồn gắt gao và xử phạt nặng những người vi phạm giao thông do uống rượu bia trong những ngày cuối năm, nhất là trong dịp Tết vừa qua đã có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa tình trạng say xỉn rồi lái xe.
Anh bạn kể, anh vừa đến định cư ở một thành phố nọ và mời bạn bè ở đó một bữa tiệc đầu năm để giới thiệu chỗ ở mới, vì cuối năm ai cũng bận rộn. Vợ anh chỉ chuẩn bị thức ăn cho 10 người nhưng có đến… 15 người dự tiệc.
Trong đó có 5 bà vợ đi theo để lái xe chở chồng về, 5 ông còn lại thì đi Grab hoặc taxi. Dù “vượt chỉ tiêu” định suất, gia chủ có phần lúng túng, song cảm thấy vui vì cách ứng xử với tiệc tùng bia rượu rất văn minh này.
“Chả dại mà mất toi vài chục củ (triệu) và bị giam bằng lái 24 tháng nếu cảnh sát giao thông họ đo nồng độ cồn!” - một ông bạn thanh minh như thế khi để vợ làm tài xế đi dự tiệc.
Thống kê từ Bộ Công an cho biết, trong năm 2022, cảnh sát giao thông trên cả nước đã xử lý 300 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 11% tổng số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện, xử lý.
Đáng chú ý là số trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 chiếm khoảng 30% số trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện. Chỉ trong 7 ngày Tết vừa qua, công an đã xử lý 7.726 trường hợp.
So với Tết Nhâm Dần 2022, số xử phạt tăng 6.620 trường hợp, tăng 598%! Sở dĩ Tết năm nay uống bia rượu rồi lái xe nhiều hơn năm ngoái là vì Tết Nhâm Dần 2022 còn trong tình trạng dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn nên các “ma men” không đi chúc Tết để uống rượu bia như những năm không có dịch.
Dẫn ra một vài con số trên đây để thấy rằng, ý thức chấp hành giao thông khi uống bia rượu của mọi người chưa thực sự nghiêm. Thậm chí, nhiều người say xỉn không chịu hợp tác với cảnh sát giao thông khi đo nồng độ cồn, gây rất nhiều trở ngại cho việc xử lý.
Trên các công trường, các cửa khẩu, các cảng hàng không, trên nhiều vùng biển nước ta… hàng ngàn người đã làm việc xuyên Tết. Bia rượu là những thứ xa lạ với họ, song niềm vui luôn được đong đầy trên gương mặt mỗi người vì những sản phẩm họ làm ra đã góp phần làm cho đất nước ngày càng phồn thịnh hơn, mọi người được an vui hạnh phúc hơn chứ không cứ gì phải có bia rượu thì mới vui.
Không ai cấm uống bia rượu mà chỉ cấm khi uống say xỉn rồi lái xe gây mất an toàn cho người khác và cho chính mình. Vợ đi theo làm tài xế cho chồng hoặc đi bằng Grab, taxi khi tham gia các cuộc tiệc “không thể không đi” như vừa dẫn trên đây là điều đáng hoan nghênh vì nó đảm bảo sự an toàn cho người tham gia giao thông và đảm bảo túi tiền không hao khuyết quá nhiều mỗi tháng do đi nhậu mà phải tốn thêm một ô tô để đưa về hoặc đi taxi thì không phải ai cũng “có điều kiện” như thế.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dau-nam-noi-chuyen-bia-ruou-post624353.html