Đầu năm tản mạn về chuyển đổi số trong giáo dục

Thời gian gần đây người ta nói nhiều đến chuyển đổi số trong giáo dục. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ai và những gì sẽ phải thay đổi?

Trong giáo dục, chủ thể của chuyển đổi số là những người lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Trong giáo dục, chủ thể của chuyển đổi số là những người lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Những vấn đề cần đổi mới như thể chế (luật pháp, văn hóa), tư duy, chương trình, phương pháp, giáo viên, người lãnh đạo, tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục... Trong nhiều nhiệm vụ phải triển khai, cần có chiến lược lựa chọn cho những nhiệm vụ ưu tiên nhất để bố trí nguồn lực và tạo điều kiện cho những nhiệm vụ còn lại khả thi hơn.

Cần hệ thống giáo dục “mở”

Về thể chế, làm sao để tạo nên hệ thống giáo dục mở và linh hoạt? Những vấn đề về quy hoạch mạng lưới, chỉ tiêu tuyển sinh, định mức, tiêu chuẩn kiểm định, đảm bảo chất lượng rất cần xem xét lại và chuyển mạnh sang quản lý chất lượng và hiệu quả đầu ra theo cơ sở dữ liệu.

Ngày nay tư duy về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp cần chú ý đến tính mở và linh hoạt của hệ thống với cách tiếp cận khác trước đây để ban hành các quy định hợp lý. Định mức chỉ tiêu tuyển sinh theo số giảng viên và diện tích sàn trong bối cảnh ứng dụng công nghệ số sẽ không có ý nghĩa nhiều với công nghệ học online, các trường lớp học chia sẻ, không giới hạn về thời gian, không gian học tập.

Có những thách thức như lợi ích nhóm, niềm tin, thói quen, chuẩn mực hình thành từ quá khứ trong mỗi con người và tổ chức. Do đã quen với những tình huống, bối cảnh quá khứ và hiện tại, giờ chuyển đến bối cảnh khác, sẽ xuất hiện những tình huống mới đòi hỏi năng lực tư duy khác trước, phải có khả năng giải quyết những vấn đề có thể chưa từng xảy ra trong hiện tại và quá khứ.

Điều này đòi hỏi con người vừa hình dung được, vừa phải chủ động, sáng tạo trong phát hiện, hợp tác, xử lý vấn đề. Một người dù được đào tạo nhằm có kiến thức và kỹ năng số nhưng để áp dụng kiến thức, kỹ năng số ấy vào trong công việc hàng ngày, vào nghề nghiệp và trong tổ chức của mình cũng không dễ dàng.

Nhiều nơi đang hô hào chuyển đổi số rất mạnh, nhưng trong mỗi ngành cụ thể và từng đơn vị cấu thành tổ chức của ngành sẽ phải làm gì và làm như thế nào để chuyển đổi số hiệu quả vẫn là câu hỏi còn chưa được trả lời cụ thể qua việc xây dựng một khung chính sách, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số cho mỗi ngành. Sự chuyển đổi số không thể theo kiểu “nói suông” mà cần có sự chuyển đổi từ trong tư duy, hành động chứ không thể xem đó là việc của người khác, bởi như vậy sẽ khó tận dụng được cơ hội bên ngoài mang lại.

Ai sẽ phải chuyển đổi số?

Chủ thế của chuyển đổi số là con người. Trong giáo dục, chủ thể của chuyển đổi số là những người lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên. Vậy năng lực của những người này cần thay đổi thế nào? Những quy định nào về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, tiêu chuẩn nghề nghiệp phải thay đổi và điều chỉnh? Giáo viên cần những năng lực gì? Kỹ năng gì bổ sung để có thể dạy cho người học những kỹ năng số, từ việc thành thạo công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ năng thông tin, xử lý dữ liệu, khai thác phương tiện?

Thực tế cho thấy, khi công nghệ được áp dựng vào nơi làm việc sẽ luôn có những nhóm người rất tích cực ủng hộ do người ta nắm được và trải nghiệm công nghệ đó. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ sẽ là những rào cản cho ứng dụng công nghệ. Phần đông những người này chưa tự tin, thiếu năng lực, lo mất kiểm soát, xấu hổ và lo nhiều rủi ro việc làm đến với mình và luôn tìm cách kháng cự lại tiến trình đổi mới.

Như vậy, con người phải được bồi dưỡng tăng cường năng lực thông qua tự học và qua các lớp tập huấn. Tuy nhiên, điều này liên quan đến một số chính sách và cơ chế khác kéo theo cần được rà soát và điều chỉnh.

Có thể nói, người lãnh đạo là một chủ thể quan trọng hàng đầu cho đổi mới. Do vậy, ở họ rất cần việc thông thạo kỹ năng số, nếu thiếu năng động sáng tạo, không dám chấp nhận rủi ro sẽ là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi.

Thay đổi thì dễ nhưng thay đổi tích cực và quản lý được sự thay đổi đòi hỏi người lãnh đạo quản lý tài giỏi và tâm huyết. Chuyển đổi số là một quá trình dân chủ hóa qua ứng dụng công nghệ. Mọi thông tin rất có thể được minh bạch hóa, khó có thể giấu giếm vào trong cái “hộp đen” của nhà quản lý.

Mọi người có thể dễ dàng tiếp cận được những thông tin cơ bản về chất lượng, nguồn lực và mọi chi phí, chính sách của cơ sở giáo dục, chương trình, văn bằng chứng chỉ cấp cho người học. Nguồn lực của tổ chức được kết nối, chia sẻ, sử dụng linh hoạt để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho một tổ chức.

Người lãnh đạo sẽ có thể gặp phải những trở ngại chống đối từ một bộ phận giáo viên, đòi hỏi họ phải biết động viên, tạo động lực, tạo môi trưởng phát huy sáng kiến của các giáo viên đồng thời phải đầu tư vào công tác phát triển kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên.

Đối với giáo dục, chương trình giáo dục cũng rất cần phải đổi mới để kết hợp giữa thế giới thực và thế giới ảo. Học trong môi trường ảo nhưng có khả năng vận dụng vào thực tế nơi làm việc mà không chăm chăm vào việc dạy những nội dung chỉ để cho học sinh, sinh viên qua được các kỳ kiểm tra đánh giá.

Theo một nghiên cứu có đến 90% các môn học như Toán, Khoa học, Ngôn ngữ, Lịch sử, học sinh được dạy chỉ để cho vượt qua những kỳ thi kiểm tra. Như vậy, khi chuyển đổi số, việc làm của giáo viên sẽ khác trước khá nhiều, đòi hỏi phải thay đổi nội dung, phương pháp dạy và thi kiểm tra đánh giá, kéo theo đó là những quy định liên quan rất cần thay đổi. Giáo dục phải chuẩn bị cho học sinh ngay từ khi còn ở trường mẫu giáo những kỹ năng thông tin từ sớm mà không phải đợi đến khi trẻ trưởng thành.

Ứng dụng công nghệ số trong quản trị nhà trường giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt nhiều chi phí cho hội họp, quảng bá hình ảnh nhà trường, thông tin liên lạc giữa các thành viên, các đơn vị trong trường nhanh chóng, đầy đủ, tin cậy... giúp tập thể lãnh đạo trường ra quyết định nhanh chóng dựa trên thông tin có trong cơ sở dữ liệu.

Những công việc đánh giá giáo viên, thi đua khen thưởng, giám sát kế hoạch hoạt động, đảm bảo chất lượng được thực hiện dễ hơn, phân tích so sánh tốt hơn nhờ số hóa thông tin. Quá trình ra các quyết định quản lý sẽ nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả hơn nhờ hệ thống các cơ sở dữ liệu được tổng hợp, phân tích đánh giá tin cậy chính là cơ hội cho đổi mới tổ chức và quản trị nhà trường.

Chậm đổi mới, cơ hội sẽ xa dần

Chuyển đổi số bao gồm cả cơ hội và thách thức là quá trình thay đổi. Lúc này, cần biết chớp thời sẽ giúp cho tổ chức, bản thân nhiều cơ hội phát triển. Chậm chân, chậm đổi mới thì cơ hội sẽ xa dần.

Cũng phải nói thêm rằng, thay đổi thì dễ nhưng quản lý sự thay đổi mới khó. Vì thế, trong các giáo trình đào tạo khả năng lãnh đạo luôn có một nội dung thay đổi cách quản lý để dạy người ta xử lý đó là, thay đổi những gì? Tại sao phải thay đổi? Thay đổi như thế nào? Khi nào thay đổi? Ai thay đổi?.

Chúng ta từng chứng kiến khá nhiều ý tưởng đổi mới không hiện thực hóa được trong cuộc sống? Không ít những chính sách với nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng vào cuộc sống lại bị nhiều rào cản, trong đó, rào cản lớn nhất là thể chế với việc thiếu đồng bộ và hệ thống.

Như Michael Fullan, chuyên gia về thay đổi hệ thống giáo dục có nói đại ý: Mọi ý tưởng tốt nếu không biết tổ chức thực hiện được ý tưởng là sự lãng phí ý tưởng. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam là ý tưởng tốt nhưng khi thực hiện rất cần có chiến lược, kế hoạch và lộ trình cụ thể để huy động nguồn lực trong xã hội.

Ngoài những yếu tố cản trở đổi mới thể chế như năng lực đội ngũ, khả năng nguồn lực hạn chế thì văn hóa của một quốc gia là rào cản của đổi mới thể chế. Vì thế, để tạo ra thay đổi đột phá về thể chế gặp thách thức vì thói quen, tư duy truyền thống, những giả thiết quá khứ, quan niệm chuẩn mực, giá trị, sự chấp nhận rủi ro của người trong cuộc, của các nhóm lợi ích còn dai dẳng.

Do đó, rất cần tạo ra sự thay đổi trong giáo dục nhưng điều cốt lõi là người trong cuộc phải có kỹ năng quản lý sự thay đổi, nhưng vai trò quan trọng vẫn là người lãnh đạo của nhà trường. Những người lãnh đạo cần được đào tạo nâng cao năng lực để xác định tầm nhìn đúng đắn, huy động mọi người đi theo tầm nhìn, thống nhất ý chí và hành động. Đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng quản trị nhà trường.

Sẽ có rất nhiều rào cản xuất hiện giữa các nhóm trong tổ chức, sự xung đột về văn hóa tổ chức, xung đột niềm tin, quan niệm về giá trị, lợi ích... Người lãnh đạo phải biết xử lý các xung đột này và vừa thuyết phục, vừa làm gương, vừa khen thưởng nhưng cũng đừng quên kỷ luật khi có nhân viên chống đối.

Trong giáo dục, để có thể chuyển đổi số thành công cần lựa chọn việc nào cần ưu tiên làm trước như phải khai thông những rào cản về thể chế chính thức và phi chính thức một cách đồng bộ và hệ thống bằng cách cần rà soát tổng thể tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và sau đó là tăng cường năng lực người đứng đầu và đội ngũ thực hiện chuyển đổi số để xây dựng một khung chính sách làm tiền đề chuyển đổi số cho ngành giáo dục.

TS Hoàng Ngọc Vinh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-nam-tan-man-ve-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-133105.html