Đầu năm tấp nập khách về đền Bia – Cẩm Giàng xin chữ, cầu may

Mùng 1 Tết Nguyên đán 2023, du khách gần xa tấp nập về đền Bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) để dâng hương, xin lộc chữ và cầu mong một năm mới an lành, may mắn, dồi dào sức khỏe.

Người dân đến đền Bia vào ngày đầu năm để cầu tài lộc, xin chữ, xin thuốc.

Người dân đến đền Bia vào ngày đầu năm để cầu tài lộc, xin chữ, xin thuốc.

Như thành thông lệ, hôm nay, khá đông người dân huyện Cẩm Giàng và các địa phương khác ở tỉnh Hải Dương lại về đền Bia đi lễ, xin chữ, xin thuốc dịp Tết. Nhiều người cho rằng xin chữ đầu năm ở đền Bia có thể mang lại may mắn, bình an cho bản thân và gia đình cả năm.

Vào ngày đầu năm, du khách đến đền Bia để cầu may, xin chữ, xin thuốc cũng khá đông.

Vào ngày đầu năm, du khách đến đền Bia để cầu may, xin chữ, xin thuốc cũng khá đông.

Đền Bia là một trong 3 di tích thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt gồm: đền Xưa – chùa Giám – đền Bia, thờ vị “Thánh thuốc Nam” là Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ngôi đền nằm trên cánh đồng phía Tây của thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn). Đây cũng là một trong những di tích gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp ủa Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Theo sử sách, Thiền sư Tuệ Tĩnh là người đã xây dựng nền móng của Y học cổ truyền nước nhà với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc Nam, theo phương châm “Nam Dược Trị Nam Nhân” (nghiên cứu thuốc Nam để chữa bệnh cho người Nam). Ông đã khởi xướng phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn chùa và thu giữ, dự trữ thuốc theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời.

Hơn 30 năm nghiên cứu y thuật ông đã tìm ra 580 vị thuốc Nam, hệ thống, tổng kết các phương pháp chữa bệnh, gồm 10 khoa, 2 môn, chữa 184 bệnh, bằng 3.873 phương thuốc. Ông là người nắm vững y lý Đông y, có công đầu trong việc nghiên cứu dược tính và chẩn trị bằng thuốc Nam. Truyền thống đó của Tuệ Tĩnh đã được đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển Y học dân tộc. Do vậy khi ông mất, với lòng biết ơn sâu sắc, nhân dân đã lập đền thờ ông.

Người dân thành tâm lễ tại đền Bia để mong một năm mới luôn an lành, may mắn, nhiều tài lộc.

Người dân thành tâm lễ tại đền Bia để mong một năm mới luôn an lành, may mắn, nhiều tài lộc.

Đền Bia nguyên được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào năm 1936, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, mặt tiền quay hướng bắc, xung quanh cây cối xanh tươi và nằm giữa cánh đồng thuộc hai xã Cẩm Văn và Cẩm Vũ của huyện Cẩm Giàng, đền có vườn thuốc nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu. Hiện trong khu vườn ở đền Bia có trồng 9 thuốc nam kiểu mẫu đã được Bộ Y tế quy định để phục vụ người dân có nhu cầu xin thuốc.

Di tích còn nhiều cổ vật có giá trị từ các triều đại phong kiến như bệ đá thời Nguyễn chạm khắc tứ linh, tứ quý, cỗ khám sơn son thiếp vàng, tượng Tuệ Tĩnh, đặc biệt là tấm bia thời Lê là di vật kỷ niệm của Tuệ Tĩnh, được nhân dân địa phương coi như báu vật bảo quản tại hậu cung của đền. Ngôi đền được trùng tu tôn tạo năm 2005 với 12 hạng mục trên diện tích 12.790 m2. Từ năm 2013-2021, di tích đền Bia nhiều lần được mở rộng, nâng cấp.

Du khách đến đền Bia ngày mùng 1 Tết Quý Mão 2023 khá đông với tâm trạng hồ hởi, nhiều kỳ vọng vào năm mới. "Mùng 1 không mưa, không quá rét và cũng không quá hanh khô, rất thích hợp cho du xuân, vãn cảnh đền chùa. Ngày đầu năm mà thời tiết thuận hòa thế này hứa hẹn một năm mới tốt lành", bà Dương Thị Hồng (54 tuổi, ở huyện Cẩm Giàng) nói.

Bảng thông tin về đền Bia cũng là nơi các du khách dừng lại để đọc và tìm hiểu.

Bảng thông tin về đền Bia cũng là nơi các du khách dừng lại để đọc và tìm hiểu.

Công an huyện Cẩm Giàng cho biết, lực lượng Công an huyện đã cùng Công an các xã tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch chi tiết tạo thuận lợi, an toàn cho mọi người du xuân vào đầu năm mới. Các lực lượng luôn ứng trực bảo đảm quân số và sẵn sàng các phương án để chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời các tình huống ùn ứ xe cộ, bảo đảm phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự...

Trước đó 1 tuần, các tổ công tác phục vụ Tết Quý Mão 2023, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các di tích trong huyện Cẩm Giàng đã triển khai thực hiện các phần việc theo kế hoạch đề ra. Mỗi di tích có 2 tổ để thay ca, mỗi tổ từ 5-7 người bảo đảm cả khu vực bên trong và xung quanh di tích, từ tổ chức các hoạt động đến tiếp khách, hậu cần - dịch vụ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Riêng khu vực đền Bia có tới 8 tổ với khoảng 40 người bảo đảm mọi hoạt động từ chiều cuối cùng của năm Nhâm Dần.

Dương Tươi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dau-nam-tap-nap-khach-ve-den-bia-cam-giang-xin-chu-cau-may-post465144.html