Dầu Nga bị thiếu hụt do cấm vận, OPEC+ sẵn sàng ra tay

Việc OPEC Plus tăng lượng dầu thô xuất khẩu được xem là tín hiệu đầu tiên cho thấy nhóm này sẽ bơm thêm dầu thô ra thị trường khỏa lấp khoảng trống khi Nga bị cấm vận.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các nước đối tác (OPEC Plus) hôm 2/6 cho biết đã đạt được nhất trí tăng đáng kể sản lượng dầu thô xuất khẩu, trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh và nguy cơ sụt giảm nguồn cung sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu thô Nga, theo Reuters.

Động thái bất ngờ

Các chuyên gia ban đầu dự đoán OPEC Plus sẽ tiếp tục bám sát chính sách chỉ tăng sản lượng nhỏ giọt như đã làm suốt từ tháng 5/2021 đến nay, nhằm giữ giá dầu ở mức cao và tiếp tục hưởng lợi.

Tuy vậy, sức ép chính trị đang ngày càng đè nặng lên các nước xuất khẩu dầu chính mà OPEC là nòng cốt. Từ khi Nga bị cấm vận toàn diện do phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá dầu đã tăng hàng chục %. OPEC đứng trước sức ép phải ra tay để bình ổn giá dầu, theo AFP.

Sau cuộc họp kéo dài hơn một giờ hôm 2/6, OPEC Plus cho biết sẽ tăng sản lượng xuất khẩu ra thị trường lên 648.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng 7. Đây là mức tăng đáng kể so với con số hơn 400.000 thùng mỗi ngày hiện nay.

 OPEC và các đối tác đã nhất trí tăng sản lượng dầu thô xuất khẩu. Ảnh: AFP.

OPEC và các đối tác đã nhất trí tăng sản lượng dầu thô xuất khẩu. Ảnh: AFP.

"Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu thô cũng như các chế phẩm từ dầu", OPEC Plus cho biết trong tuyên bố chung.

Trước khi cuộc họp diễn ra, đã có những đồn đoán xung quanh chia rẽ giữa 13 thành viên OPEC do Saudi Arabia đứng đầu với Nga cùng một số nước đối tác của OPEC.

Hôm 2/6, Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin cho rằng OPEC đang cân nhắc loại bỏ Nga khỏi thỏa thuận về điều chỉnh sản lượng dầu thô xuất khẩu.

Năm 2020, OPEC và 10 nước đối tác thống nhất cắt giảm đáng kể sản lượng khi nền kinh tế thế giới lao dốc vì đại dịch Covid-19.

Khi đại dịch được kiềm chế vào nửa cuối năm 2021, nhóm các nước xuất khẩu dầu lớn cũng chỉ tăng sản lượng ở mức độ nhỏ giọt lên khoảng 400.000 thùng xuất khẩu mỗi ngày, bất chấp sức ép từ các nước khách hàng lớn trong đó có Mỹ.

Sản lượng khai thác của Nga đã giảm đáng kể sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng khai thác dầu của Nga trong tháng 7 sẽ thấp hơn 15% so với mục tiêu 10,8 triệu thùng.

Sản lượng khai thác dầu của Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong phần còn lại của năm 2022 sau khi lệnh cấm vận dầu thô mà EU áp đặt có hiệu lực.

Jaffrey Halley, chuyên gia tập đoàn môi giới giao dịch tài chính Oanda, cho rằng quyết định tăng sản lượng vừa được thông qua sẽ không giải quyết hoàn toàn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do Nga bị cấm vận.

"Có vẻ OPEC đã quăng cho Mỹ và châu Âu một chút hy vọng trong khi vẫn giữ được sự đoàn kết với các nước đối tác. Nga sẽ vui vẻ nếu giá tiếp tục ở mức cao", ông Halley nói.

Chiến thắng của Mỹ?

Dù lượng dầu bơm thêm ra thị trường không nhiều, các chuyên gia đánh giá việc OPEC Plus chấp nhận từ bỏ chính sách trước đây có thể là bước khởi đầu, Saudi Arabia và các nước khác như UAE sẽ hợp tác hơn với phương Tây khi các lệnh cấm vận Nga bắt đầu có hiệu lực, theo New York Times.

Quyết định tăng sản lượng được đưa ra sau khi có sự can thiệp của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Cần coi diễn biến này là tín hiệu chính trị hơn là số thùng dầu bổ sung. Saudi Arabia có lẽ đã sẵn sàng bơm thêm nhiều dầu hơn ra thị trường", Bill Farren-Price, Giám đốc nghiên cứu tập đoàn tư vấn năng lượng Enverus, nhận định.

Giới ngoại giao Mỹ đang tích cực thúc đẩy tổ chức chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Biden tới Saudi Arabia sau gần 2 năm quan hệ song phương nguội lạnh do vấn đề nhân quyền, việc Mỹ thay đổi thái độ trong cuộc chiến ở Yemen, cũng như hợp đồng bán vũ khí bị gián đoạn.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP.

Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia Ngân hàng Swissquote, cho biết quyết định tăng sản lượng của OPEC Plus hôm 2/6 là "diễn biến rất bất ngờ", cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia cuối cùng đã "tan băng" sau hai năm lạnh nhạt.

"Nếu Mỹ có thể củng cố quan hệ với Saudi, Riyadh sẽ bơm thêm dầu ra thị trường để bù đắp thiếu hụt do Nga. Điều này sẽ càng khiến Moscow bị cô lập hơn nữa, thậm chí thay đổi chiều hướng chiến dịch quân sự ở Ukraine", bà Ozkardeskaya nói.

Sự hợp tác của OPEC, quan trọng nhất là Saudi Arabia và UAE, sẽ cho phép phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với dầu thô của Nga mà không lo làm giá dầu tăng quá cao.

Ngay sau thông báo tăng sản lượng của OPEC Plus, Nhà Trắng đã đưa ra phản ứng đầu tiên.

"Mỹ hoan nghênh quyết định quan trọng hôm nay của OPEC Plus về việc cung cấp thêm 200.000 thùng dầu mỗi ngày do các điều kiện mới của thị trường", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.

Cho đến gần đây, Saudi Arabia vẫn tiếp tục cho rằng giá dầu thế giới tăng cao là do các vấn đề địa chính trị, hạn chế trong năng lực lọc hóa dầu. Tuy vậy, các nhà phân tích nhận định có thể Riyadh đã nhận ra rằng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ làm tổn thương nền kinh tế, cuối cùng dẫn đến suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Dự kiến, OPEC Plus sẽ quay trở lại công suất sản xuất dầu thô tương đương trước đại dịch. Các nhà phân tích nhận định đó có thể là cơ hội để nhóm đánh giá lại mức giới hạn dầu thô khai thác cũng như vai trò của Nga trong OPEC Plus.

Video tiêm kích Su-25 của Nga tấn công mục tiêu mặt đất ở Ukraine Bộ Quốc phòng Nga hôm 1/6 tung video Su-25 bay sát đất để không kích công sự và khí tài của quân đội Ukraine. Phi công bắn mồi bẫy nhiệt và đánh lái để tránh vũ khí phòng không.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-nga-bi-thieu-hut-do-cam-van-opec-san-sang-ra-tay-post1323069.html