Đau nhói trong tim có nguy hiểm?
Bị nhói tim là một tình trạng hầu như ai cũng từng mắc một vài lần trong đời. Người bệnh cảm thấy đau nhói đột ngột ở vùng ngực trái. Đây có thể là hiện tượng cảnh báo dấu hiệu tim bị tổn thương hoặc các bệnh lý khác.
1. Đau nhói ở tim là bệnh gì?
Nội dung
1.Đau nhói ở tim là bệnh gì?
2.Khi nào cần gặp bác sĩ?
3.Lối sống lành mạnh giúp làm giảm đau nhói tim
Trong một số trường hợp bị đau nhói tim, tuy nhiên không phải do những tổn thương ở tim gây ra như:
-Người bệnh cảm thấy cơn đau nhói trong tim chỉ xảy ra khoảng 30 giây và chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Khi nghỉ ngơi hít thở đều những cơn nhói sẽ giảm dần.
-Một số trường hợp vận động nhiều, chơi thể thao cường độ cao như các vận động viên, người tập gym hay những công nhân lao động chân tay… cũng có thể là nguyên nhân dễ dẫn đến cơn đau nhói ở tim.
-Một số người bị nhói tim sau khi ăn quá no.
Trong trường hợp đau nhói tim như trên không diễn ra thường xuyên, không kéo dài và có thể phục hồi nhanh chóng khi cơ thể được nghỉ ngơi thì không cần phải quá lo lắng.
Tuy nhiên đa số hiện tượng đau nhói tim rất có thể là dấu hiệu cảnh báo tim đang có những tổn thương nhất định và cần được điều trị ngay. Khi đó có thể bị đau nhói ở tim nếu mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch:
-Nhồi máu cơ tim: đau nhói có cảm giác bị đè nặng, bóp nghẹt có thể xuất hiện ở ngực trái ngay vị trí tim hoặc giữa ngực, đôi khi lan rộng lên cánh tay trái, bả vai… kèm theo một số triệu chứng khác như khó thở, tay chân lạnh, vã mồ hôi.
-Viêm màng ngoài tim: thường gây ra các cơn đau đột ngột, nặng hơn khi bạn hít thở hoặc nằm xuống, kèm theo sốt
-Bệnh mạch vành ổn định gây tình trạng đau thắt nhói ngực bên trái khi gắng sức và thường giảm khi nghỉ ngơi.
-Bóc tách động mạch chủ.
-Bệnh hẹp van tim
-Viêm cơ tim
Nếu triệu chứng đau nhói ở tim không diễn ra thường xuyên thì cũng có thể là do một số nguyên nhân khác như:
– Viêm dây thần kinh liên sườn, viêm sụn sườn.
– Rối loạn thần kinh tim.
– Bệnh lý ở phổi.
– Viêm dạ dày – thực quản có thể đau lan lên vùng ngực mà rất có thể khiến nhầm tưởng là đau vùng tim.
Khi có dấu hiệu đau nhói ở tim người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
2. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Thông thường, cơn đau nhói tim không xuất phát từ các bệnh lý tim mạch sẽ biến mất sau khi bạn nghỉ ngơi hoặc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, hoạt động. Tuy nhiên nếu bị nhói tim kéo dài hơn 15 phút và kèm theo những triệu chứng:
-Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi.
-Cơn đau lan đến cánh tay, vai, cổ hoặc hàm phía bên trái.
-Khó thở, tức ngực dữ dội.
-Ngất xỉu.
Cần đi cấp cứu ngay vì đó có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim
Việc theo dõi diễn biến tình trạng bị nhói tim để xem nó có đi kèm với những dấu hiệu nguy hiểm khác hay không sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và can thiệp y tế để kịp thời nhận biết và điều trị những bệnh lý nghiêm trọng ở tim sớm.
Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ tìm hiểu rõ về triệu chứng thường gặp của bạn, khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân. Sau đó, tùy mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số thăm dò chẳng hạn như siêu âm tim, xét nghiệm máu, hay chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính,…
Để điều trị hiện tượng đau nhói ở tim, bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh là gì và điều trị theo nguyên nhân đó. Mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp khác nhau. Chính vì thế, người bệnh không được chủ quan, coi thường triệu chứng bệnh vì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhồi máu cơ tim hay viêm màng ngoài tim,…dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thậm chí là nguy cơ tử vong nếu không được điều trị bệnh kịp thời.
3. Lối sống lành mạnh giúp làm giảm đau nhói tim
Duy trì lối sống lành mạnh là một yếu tố không thể thiếu để giúp làm giảm và ngăn ngừa các cơn đau nhói trong tim:
-Có chế độ ăn uống với ít chất béo bão hòa, cholesterol, muối và tăng cường các loại trái cây, rau, và ngũ cốc. nên cân đối khẩu phần ăn các loại thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu, sữa và các sản phẩm không có chất béo.
-Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
-Tăng cường hoạt động thể chất với những bài tập an toàn, hiệu quả và vừa sức.
-Bỏ thuốc lá.
-Kiểm soát tốt các bệnh liên quan bao gồm tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường.
Nếu tim bạn đang có những dấu hiệu nhói đau dù mới thoáng qua nên theo dõi chặt chẽ và đến bác sĩ ngay khi cần phòng tránh những rủi ro. Song song với điều đó cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh ngay từ bây giờ để có được trái tim khỏe mạnh.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-nhoi-trong-tim-co-nguy-hiem-16922091615080023.htm