Đau như bị ai đâm sau lưng nhưng tưởng thủ phạm là mỡ

Khoảng một năm nay chị T. tăng lên 10 kg, nhưng do thường nịt bụng lúc ngủ chị cứ tưởng mỡ chạy lên trên gây đau đớn.

Sáng 25-1, các bác sĩ (BS) Khoa Ngoại gan mật tụy Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u tụy khổng lồ cho nữ bệnh nhân BTTXT (36 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Bệnh nhân nhập viện với tình trạng bụng phải to lên nhưng ấn không đau, không vàng da, có từng đợt sưng phù, đau chân phải kéo dài khoảng 2-3 ngày sau đó tự xẹp. Ngoài ra, bệnh nhân để ý từ lúc phát hiện khối u thì búi trĩ lớn hơn lúc trước và bị lòi ra ngoài.

Tại đây, qua thăm khám và làm các chẩn đoán hình ảnh, các BS phát hiện bệnh nhân có khối u đầu - thân tụy khổng lồ xâm chiếm hết vùng bụng bên phải, chèn ép cuống gan và các mạch máu xung quanh.

Khối u tụy to, chèn ép các cơ quan. Ảnh: BVCC

Khối u tụy to, chèn ép các cơ quan. Ảnh: BVCC

Các BS đã hội chẩn và tiến hành mổ cắt khối u cho bệnh nhân vào ngày 11-1. Cuộc mổ gặp nhiều khó khăn do khối u rất to,chiếm hết phẫu trường mổ.

“Bình thường, tụy ở ngang rốn khoảng 15 cm, nhưng do khối u quá to, chúng tôi phải mở rộng vết mổ xuống phía dưới đến 25 cm mới bóc tách, lấy được khối u. Mặt khác, khối u dính vào nhiều mạch máu như tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch và động mạch treo tràng trên nên phải tách ra khó khăn” - BS phân tích.

Sau 10 tiếng phẫu thuật, khối u dài 20 cm, nặng 2,3 kg mới được hoàn toàn cắt bỏ và đưa ra ngoài.

Theo các BS, đây là khối u đầu – thân tụy lớn nhất được phát hiện tại BV Chợ Rẫy, thông thường khối u đầu tụy chỉ nặng từ 1 đến 1,5 kg.

Sau ca mổ cắt khối u khổng lồ ở tụy, chị T. hiện đã ổn định sức khỏe. Ảnh: BVCC

Sau ca mổ cắt khối u khổng lồ ở tụy, chị T. hiện đã ổn định sức khỏe. Ảnh: BVCC

Sau ca mổ, bệnh nhân được cho điều trị dinh dưỡng, kháng sinh, tập vận động. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống được, vết mổ lành tốt, tình trạng trĩ cải thiện.

Do cắt phần lớn tụy nên hiện tại bệnh nhân có tình trạng mắc đái tháo đường, đang được kiểm soát tốt. Các xét nghiệm giải phẫu cho thấy khối u tụy của bệnh nhân là bướu mô đường tiêu hóa.

Chị T. chia sẻ một năm nay, chị thấy bụng to lên, tăng 10 kg nhưng chỉ nghĩ mình tăng cân. Khi ngủ, chị thường hay nịt bụng và nghĩ mỡ chạy lên phía trên làm chèn ép các cơ quan gây đau. Nửa năm nay, chị bị đau nhiều hơn ở hai bên mạn sườn trái và phải.

“Mỗi lần đau kinh khủng lắm, khi nằm xuống tôi cảm tưởng như bị ai đâm sau lưng, cử động là đau, dậy rất khó khăn, mỗi lần bị vậy 2, 3 tuần mới hết” - chị T. kể.

Cũng theo chị T, khi đau nhiều quá, chị thường tự mua thuốc uống. Chị cũng có đi khám và chẩn đoán bị viêm thần kinh liên sườn.

Theo TS-BS Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng Khoa Ngoại gan mật tụy BV Chợ Rẫy, phần lớn khối u tụy thường là ác tính. Ung thư tụy giai đoạn sớm khó phát hiện, thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe, siêu âm, chụp CT scan, MRI, chỉ khi khối u gây chèn ép thành triệu chứng mới phát hiện ra.

Nếu khối u xâm lấn các cơ quan mức độ nặng thì khả năng điều trị càng thấp. Nếu như u ở vùng đầu tụy thường gây vàng da, người bệnh đi khám có thể phát hiện dễ dàng hơn thì u ở vùng thân và đuôi tụy thường ít thể hiện triệu chứng lâm sàng, thường đau vùng thượng vị. Người bệnh khi đến khám có thể dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh viêm dạ dày.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/dau-nhu-bi-ai-dam-sau-lung-nhung-tuong-thu-pham-la-mo-963615.html