Đâu phải muốn chửi ai thì chửi!

Sách vở ghi lại nhiều tích bên Trung Hoa, thời Tam Quốc, khi các vương triều tranh đoạt cương thổ, quyền lực đã biết dùng đến mạ thủ.

"Mạ thủ" là đội quân chuyên về chửi bới đối phương, kiểu như tâm lý chiến, để đối phương tức giận dẫn tới ra quyết định sai hoặc xuống tinh thần, dễ thua cuộc. Lực lượng "mạ thủ" thường đóng vai trò tiền quân khi công đồn, vây thành. Trong "Tam thập lục sách" - tập hợp 36 kế sách quân sự của Trung Hoa cổ đại - có đúc kết chuyện Tào Tháo sử chiêu khi đánh Viên Thuật thành kế thứ 26 là "Chỉ tang mạ hòe" (chỉ cây dâu mà mắng cây hòe, nghĩa khác: chỉ chó nhưng mắng mèo), nhờ đó mà thắng. Ấy cũng từ "mạ" mà ra. Tóm lại, từ xưa, chửi càn đã được sử dụng như là một thứ vũ khí.

Ở xứ ta, lấy chửi bới để ăn thua đủ, công kích hay hạ bệ người khác cũng là chuyện phổ biến. Dòng văn học hiện thực phê phán 1930-1945 có nhân vật Chí Phèo ("Chí Phèo" - Nam Cao) gắn chặt với hình ảnh tiêu cực "Hắn vừa đi vừa chửi"; hay nâng tầm lên thành "nghệ thuật" là bài chửi mất gà có lớp lang, vần điệu của bà mụ nhà quê trong "Bước đường cùng" (Nguyễn Công Hoan). Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, trong bài "Ăn nói thô tục", đăng Đông Dương tạp chí năm 1914, đã thở dài về một thói xấu của người Việt: "... Lắm câu chửi rủa của ta, không tiếng nước nào dịch nổi..."!

Tất nhiên, đã là thói xấu thì phải phê phán, không học theo; nếu thành cố tật thì phải gắng tìm mọi cách tẩy trừ nó khỏi đời sống cộng đồng. Trong xã hội văn minh, chửi là hành động phản cảm, đi ngược lại toàn bộ các giá trị cao đẹp chung mà cộng đồng đang xây dựng, hướng về.

Nhưng bao giờ cũng vậy, cuộc sống muôn mặt, bên cạnh cái tốt đẹp và thiện lành vốn chiếm ưu thế thì con người - không còn cách nào khác - buộc phải chung sống với cái xấu, cái ác. Nó là một phần của xã hội, thời nào cũng thế.

Sống chung nhưng không có nghĩa là chấp nhận chịu đựng mãi mãi, mà phải chế ngự, đấu tranh và đẩy lùi nó. Không lên án hành vi xấu, như vô cớ lăng nhục người khác, tức là sống thiếu trách nhiệm; hào hứng đón nhận, hùa theo đám đông hoặc cá nhân nào đó để thóa mạ tha nhân, cũng là một kiểu sống xấu, sống ác. Thực tế, đã có không ít nạn nhân tự kết liễu đời mình vì không chịu nổi sức ép từ sự miệt thị của đám đông, trong đó có những trường hợp bị chửi bới, lên án một cách oan ức.

Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện một số cá nhân sử dụng sức ảnh hưởng của bản thân và sự tiện ích của mạng xã hội để tổ chức livestream, thu hút đông đảo người xem/nghe. Phần lớn thời lượng trong những lần livestream đó "diễn giả" chủ yếu công kích cá nhân, chỉ trích một số tổ chức, đơn vị bằng lời lẽ thô tục. Càng có đông người xem/nghe, "diễn giả" càng hăng lên giọng khoe mẽ, dạy đời và rủa sả không thương tiếc đích danh nhiều người, kể cả một số người nổi tiếng. Thông tin được tung ra khi livestream chưa chắc đúng - sai nhưng hành vi thóa mạ người khác và phát ngôn tục tĩu trên không gian mạng, được truyền phát cho số đông người xem/ nghe thì đều đã có dấu hiệu phạm luật.

Đừng tưởng trên trang cá nhân là muốn nói gì thì nói. Pháp luật hành chính và hình sự hiện nay đều có các quy định chế tài các cá nhân thực hiện những hành vi nói trên. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 tại điều 155 về "Tội làm nhục người khác" quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai tháng đến ba năm: ... Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội... Mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì không có chuyện cá nhân hay nhóm người nào đó được quyền nhân danh công lý để xúc phạm danh dự, chà đạp lên phẩm hạnh của người khác. Những hành vi đó phải bị nghiêm trị!

A.Q

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thoi-xau-chui-can-20210529225702871.htm