Đầu ra của nông sản, tín hiệu mừng từ thị trường

Mấy ngày qua, giá của nhiều loại nông sản như: xoài, ớt, bưởi, mít... đã tăng giá trở lại, nông dân phấn chấn, song lượng tiêu thụ còn ít so với sản lượng thu hoạch. Nhà nông đang hy vọng về thị trường nông sản tiếp tục tăng trở lại, tình hình xuất khẩu sẽ thuận lợi.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Lưu Minh Tuấn cho biết: “Toàn huyện có hơn 71 vựa lớn thu mua xoài. Sau khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhất là khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, 21/71 vựa phải hoạt động cầm chừng, có đơn đặt hàng mới thu mua, vựa nhỏ mua khoảng 2-5 tấn/ngày, vựa lớn thu mua 20-30 tấn/ngày, không có vựa nào có hợp đồng đặt hàng trước. Những thị trường tiêu thụ trong nước như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Tiền Giang... có giá mua rất thấp, bình quân 5.000 đồng/kg. Với giá bán như trên thì nông dân bị lỗ, nên một số hộ dân cố gắng “neo” xoài chờ giá. Mấy ngày nay, giá xoài tuy có tăng nhẹ, tất cả các vựa mở cửa thu mua, nhưng lượng mua vào còn ít. Hiện tại, vựa thu mua xoài xanh loại 1 giá 11.000 đồng/kg, loại 2 giá 7.000 đồng/kg; xoài vàng loại 1 giá 12.000 đồng/kg, loại 2 giá 7.000 đồng/kg, xoài hạt lép (xoài cóc) giá 9.000 đồng/kg”.

Các nhà vườn cho biết, hiện tại đã có thương lái, chủ vựa đến mua với giá bình quân 11.000 đồng/kg (tăng 6.000 đồng/kg so với trước): xoài xanh loại 1 giá 9.000-11.000 đồng/kg, loại 2 giá 5.000-6.000 đồng/kg; xoài vàng loại 1 giá 12.000-13.000 đồng/kg, loại 2 giá 6.000-7000 đồng/kg; xoài hạt lép (xoài cóc) giá 11.000-12.000 đồng/kg. Giá xoài tăng do thị trường có dấu hiệu khởi sắc, tiêu thụ khá tốt tại các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối... Đồng thời, có một số cửa khẩu mở cửa thông quan hàng hóa xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, các lô hàng nông sản và trái cây của Việt Nam, mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu nhưng tiến độ chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Liên kết tiêu thụ, hỗ trợ đầu ra cho nông sản

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, sở đã chủ động phối hợp tìm giải pháp hỗ trợ cho nông dân, ưu tiên xử lý sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn và đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ, như: xoài, chuối... Sở Công thương đã có văn bản đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại trong, ngoài tỉnh kết nối tiêu thụ nông sản. Qua đó đã kết nối siêu thị Tứ Sơn, siêu thị Co.opmat hỗ trợ tiêu thụ bưởi da xanh, xoài ở huyện Chợ Mới, Thoại Sơn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân gặp khó khăn, do không có thông tin cụ thể về số lượng mặt hàng cần hỗ trợ tiêu thụ, thói quen mua bán thông qua thương lái để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chưa quan tâm khai thác thị trường nội địa, nhất là các kênh phân phối hiện đại; đồng thời còn tâm lý “neo” hàng chờ tăng giá…

Chị Huỳnh Thị Ngữ (chủ vựa xoài Phú Quí, xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới) cho biết: “Mấy ngày nay, xoài tăng giá nhưng nhà vườn không bán, “neo” lại chờ giá, trong khi trước đây chưa lâu tôi vẫn chấp nhận lỗ, mỗi ngày thu mua 20-30 tấn xoài để hỗ trợ nông dân tiêu thụ và nỗ lực tìm hướng đưa xoài qua thị trường Trung Quốc để tiêu thụ nhiều hơn. Nay đã xuất qua Trung Quốc được gần 3 container với 90 tấn xoài dù lợi nhuận không nhiều”. Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi chia sẻ, 2 tuần trước nông dân không bán được sản phẩm, kêu gọi cộng đồng tham gia giải cứu. Khi tỉnh nỗ lực tìm kiếm thị trường, Sở Công thương kết nối và được siêu thị BigC tại TP. Hồ Chí Minh đồng ý và thống nhất mở mã code để nhập mặt hàng xoài. Song khi siêu thị Big C liên hệ để đặt hàng theo giá ban đầu 10.000 đồng/kg, thì hợp tác xã, nông dân trồng xoài đòi tăng giá bán.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp tỉnh năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chỉ đạo: “Mặc dù thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế và thương mại thế giới, nhưng sau khi hết dịch sẽ kích thích tăng trưởng trở lại, giá nông sản sẽ tăng”. Ông Thư cho rằng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, có “sức đề kháng” tốt trước sự biến đổi của thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần chủ động rà soát lại các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nông sản phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nắm rõ diện tích, sản lượng nếp, xoài, cá tra... để có chính sách kết nối cung - cầu rõ ràng, tìm hướng xúc tiến, kết nối thị trường, giảm sự phụ thuộc vào 1 thị trường nhằm tránh ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp để đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý; sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dau-ra-cua-nong-san-tin-hieu-mung-tu-thi-truong-a265456.html